Trên đường chạy đua giành giải học
sinh giỏi quốc gia, những gia đình có con em vào đội tuyển đầy danh giá
phải đóng góp những khoản chi phí tốn kém, có khi lên đến vài chục triệu
đồng.
|
Tại Trường THPT chuyên Hùng Vương (Phú Thọ), mỗi học sinh phải
đóng quỹ luyện học sinh giỏi 300.000 đồng. Trong ảnh: học sinh đội
tuyển văn của Phú Thọ. Ảnh: Vĩnh Hà |
Chúng tôi ngạc nhiên khi biết L -
một học sinh ở Hải Phòng đoạt giải nhất trong kỳ thi chọn học sinh giỏi
môn văn thành phố - bị loại khỏi đội dự tuyển kỳ thi quốc gia. Một giáo
viên của L lý giải: “Chuyện thi cử không biết thế nào. Về sức học em có
khả năng vượt qua vòng hai, nhưng điều tôi biết rõ là em ấy không muốn
vào đội tuyển quốc gia vì gia cảnh quá nghèo”. Nhận xét lấp lửng của cô
khiến chúng tôi càng muốn tiếp cận L..
Không tiền, không vào tuyển
Không dễ để L mở lòng nhưng rồi em
cũng cho biết: “Sau khi vượt qua vòng 1 (kỳ thi học sinh giỏi thành
phố), bố mẹ em tìm hiểu kỹ về việc vào đội tuyển sẽ phát sinh nhiều yếu
tố mà gia đình em không đủ điều kiện để theo. Dù vẫn được bố mẹ động
viên nhưng em không muốn dồn sức cho một việc quá khả năng của gia
đình”.
Gia đình L. rất nghèo, anh em L.
phải ở nhờ ông bà vì nhà bố mẹ đi thuê quá chật, không có chỗ học tập.
Hằng ngày sau giờ học, L. phụ bán ốc luộc với bố mẹ. Bữa ăn sum họp của
cả nhà cũng ở ngay trên vỉa hè.
“Từ đáy lòng em rất mong được tham
gia vô tư, hết mình với các kỳ thi tuyển chọn học sinh giỏi dù có giải
hay không. Em nghĩ chẳng cần có giải mà chỉ cần được vào đội tuyển đã là
vinh dự lớn. Nhưng hoàn cảnh gia đình không cho phép em quyết tâm thực
hiện” - L. chia sẻ.
H., một cựu học sinh đội tuyển văn
của Hải Phòng, cho biết: “Năm đó mỗi thành viên đội tuyển văn phải đóng 7
triệu đồng/người cho quỹ phụ huynh”.
H. cho biết thêm, cùng năm với mình
có một học sinh được chọn vào đội tuyển lịch sử phải xin rút vì không
có tiền. Tiền là mối lo của nhiều học sinh trước và sau cuộc tuyển chọn
chỉ vì những quy định được áp dụng nhiều năm ở đất cảng.
Tăng thu theo trượt giá
Theo tìm hiểu của chúng tôi, để hỗ
trợ việc tập huấn học sinh giỏi, Hải Phòng đã chi 330 triệu đồng cho 11
đội tuyển dự thi quốc gia, mỗi đội lĩnh 30 triệu đồng.
Theo ông Phạm Tuấn Hùng - trưởng
phòng giáo dục trung học Sở GD-ĐT Hải Phòng, số tiền này được chuyển
thẳng cho Trường THPT chuyên Trần Phú nhằm chủ động chi cho việc tổ chức
tập huấn.
Thế nhưng ông Bùi Văn Phú - hiệu
trưởng Trường THPT chuyên Trần Phú - cho rằng: “Tiền hỗ trợ quá eo hẹp
nên phải xã hội hóa để đảm bảo mục tiêu tập huấn đội tuyển”.
Ông Phạm Tuấn Hùng tiết lộ ngay khi
có danh sách “chốt”, các đội tuyển sẽ tổ chức họp phụ huynh và việc thu
thêm được thống nhất trong chính cuộc họp có sự tham gia của cả giáo
viên và chuyên viên bộ môn của Sở GD-ĐT tham dự.
Ông Phú từ chối cho biết mức thu cụ
thể của các đội tuyển nhưng khẳng định: “Các đội tuyển sau khi xây dựng
kế hoạch tập huấn, mức chi phí và thống nhất việc thu quỹ phụ huynh đều
có báo cáo lãnh đạo nhà trường”.
Ông Phú chỉ cung cấp thông tin: “Năm trước, trung bình mỗi đội tuyển thu thêm của phụ huynh 10-15 triệu đồng/người”.
Một số giáo viên phụ trách đội tuyển khẳng định: “Năm nay phải thu cao hơn năm trước vì trượt giá”.
Ông Phú giải thích: “Nhìn vào con
số thu trên đầu một học sinh thì thấy cao, nhưng đội tuyển chỉ có 8-10
em nên tổng thu không nhiều lắm”.
Tuy nhiên, nếu lấy con số 10-15
triệu đồng của năm trước để tính, mỗi đội tuyển phải đóng góp thêm từ 80
đến hơn 100 triệu đồng. “Riêng đội tuyển sử năm nay thu 10 triệu
đồng/học sinh (năm trước 7 triệu đồng). “Đội tuyển hóa năm trước thu 10
triệu đồng, năm nay cũng thu nhiều hơn” - ông Hùng nói.
Tại Hà Nội, nơi được xem là thuận
lợi nhất do không phải di chuyển, không phải mời thầy “liên tỉnh” và chi
phí trả cho giảng viên được thành phố hỗ trợ nhưng theo chị M. - một
phụ huynh có con ở đội tuyển sinh, phụ huynh vẫn phải đóng 4 triệu
đồng/suất học đội tuyển cho đợt tập huấn hơn một tháng.
Tại Hà Nam, dù tiền trả cho thầy được tỉnh hỗ trợ nhưng mỗi đội tuyển cũng thu của học sinh khoảng 20 triệu đồng.
M., một học sinh trong đội tuyển
sinh, cho biết: “Đội nào mời được giáo sư đều phải đóng tầm 2,5 triệu
đồng/học sinh. Vì tiền chi cho một buổi của thầy rất cao. Nhà trường chỉ
cho 10 triệu đồng/đội”.
Được hỗ trợ nhiều nhưng theo học
sinh đội tuyển tin học của Nam Định, kinh phí đến Hà Nội luyện thi các
em vẫn phải đóng góp 3 triệu đồng/em.
Ông Hoàng Văn Cường, hiệu trưởng
Trường chuyên Hùng Vương (Phú Thọ), tính: “Tỉnh hỗ trợ đội tuyển học
sinh giỏi quốc gia 50.000 đồng/học sinh/ngày, 400.000 đồng/buổi học/giáo
viên (mời từ Hà Nội) trong thời gian tập huấn khoảng 40 ngày. Nhưng số
tiền này cộng vào vẫn quá ít để chi cho việc mời thầy và đưa đội tuyển
đi tập huấn.
“Thực tế thuê giáo sư giảng phải
mất 3 triệu đồng/buổi. Với mức hỗ trợ vài trăm nghìn đồng/thầy, chả lẽ
trường phải kê thầy dạy cả trăm buổi mới bù nổi vào khoản thực chi?” -
ông Cường lý giải.
Một giáo viên dẫn đội tuyển của Nam
Định đến Hà Nội “trọ học” ở khách sạn Sơn La (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) cho
biết, tiền thuê khách sạn 400.000 đồng/ngày đêm, chưa kể chi phí ăn
uống, đi lại và mời thầy. Trong khi để yên tâm đi thi, mỗi đội tuyển có
khi phải di chuyển đến Hà Nội 2-3 đợt, có những đợt 7-10 ngày, có tỉnh
đưa đội tuyển ra Hà Nội cả tháng.
Chi phí việc này rất tốn kém và
không có mức chung cho các đội mà còn tùy thuộc vào kế hoạch của mỗi
đội, thầy được mời là ai, tài ngoại giao của lãnh đạo đội và sự kỳ vọng
vào từng đội tuyển. Nhiều khi phải tới lúc kết thúc kỳ thi mới biết được
chi phí cho cuộc chạy đua này là bao nhiêu.
Đó là những lý do các địa phương
đưa ra để buộc học sinh các đội tuyển dự thi quốc gia phải đóng tiền.
Mức thu mỗi địa phương khác nhau. Có tỉnh chỉ thu 2-3 triệu đồng/học
sinh để “góp thêm tiền thuê thầy”, còn chi phí ăn ở học sinh tự túc. Có
tỉnh tiền đóng trọn gói là vài chục triệu đồng/học sinh.
Góp “họ”, “dồn vốn”... đón thầy
Chẳng những thế, một số trường còn
có “độc chiêu” huy động tiền khá khác người. Ngoài số tiền hàng chục
triệu đồng thu từ mỗi học sinh tham gia đội tuyển thi quốc gia, Trường
THPT chuyên Trần Phú (Hải Phòng) còn kêu gọi tất cả các lớp 10, 11 trích
quỹ lớp với mức đồng đều 4 triệu đồng/lớp để dành tập trung cho học
sinh khối 12 mời thầy từ Hà Nội về bồi dưỡng.
Ông Đoàn Kim Đức, phó hiệu trưởng
trường này, khẳng định: “Đây giống như hình thức chơi họ (chơi hụi). Học
sinh lớp 10, 11 đóng góp cho các anh chị lớp 12 để năm sau, năm sau nữa
các em cũng được thế hệ dưới mình đóng góp”. Điểm duy nhất khác với
cách chơi họ thông thường là không phải người nào đóng họ cũng sẽ đến
lượt nhận phần tiền của mình. Mỗi đội tuyển chỉ có 6-10 học sinh, nên
không phải học sinh nào góp “họ” cũng được đi thi.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, tại
Trường THPT chuyên Hùng Vương (Phú Thọ) số tiền phải đóng là 300.000
đồng/học sinh/năm x 1202 (38 lớp) = 360,6 triệu đồng/năm.
“Quỹ đóng góp này của cả trường là
hơn 300 triệu đồng, nhưng do có nhiều hoạt động khác nên số tiền thực
chi cho đội tuyển quốc gia chỉ khoảng 200 triệu đồng” - ông Cường nói.
Việc tổ chức thu tiền phụ huynh
theo mức được ấn định cụ thể trở thành “giải pháp tài chính” số 1 của
một số trường trong cuộc đua các đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia.
Từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó
có nguồn thu đáng kể từ học sinh trong và ngoài đội tuyển, chi phí cho
cuộc chạy đua giành giải có những nơi đến hơn trăm triệu đồng/đội tuyển.
Đó là chưa kể đủ kiểu ôn luyện căng thẳng mà người ngoài cuộc khó có
thể hình dung nổi.
Trường chủ động, sở không biết?
Trao đổi thêm xung quanh chuyện thu tiền
của phụ huynh cho đội tuyển học sinh giỏi quốc gia, ông Đỗ Thế Hùng -
giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng - khẳng định: Đã là xã hội hóa thì do phụ
huynh tình nguyện nộp chứ không thể bắt buộc.
Nhưng việc Trường THPT chuyên Trần Phú
bổ đầu mỗi lớp 10 và 11 của trường nộp 4 triệu đồng để chi cho việc tập
huấn đội tuyển không đúng tinh thần tự nguyện. Bên cạnh đó, thành viên
đội tuyển học sinh giỏi của Hải Phòng cũng phải nộp tiền để hỗ trợ việc
tập huấn, việc này có phải chủ trương của lãnh đạo Sở GD-ĐT Hải Phòng?
Không phải chủ trương của sở. Việc xã hội hóa do trường chủ động.
Theo nhiều học sinh trong đội tuyển của
Hải Phòng, họ được miễn học một số môn để tập trung học đội tuyển, việc
này có phải chỉ đạo của Sở GD-ĐT Hải Phòng không?
Sở không quy định những việc nằm ngoài quy định của Bộ GD-ĐT. Nếu có chuyện đó là do nhà trường tự làm.
Khôi phục việc tuyển thẳng vào đại học, cao đẳng
Trong quy chế thi học sinh giỏi quốc gia áp
dụng cho năm 2007, Bộ GD-ĐT bãi bỏ quy định “tuyển thẳng học sinh đoạt
giải vào các trường ĐH, CĐ”. Cũng năm 2007, Bộ GD-ĐT có quy định “các
trường chuyên không được phép mời người ngoài trường ôn luyện, tập huấn
cho giáo viên và học sinh để tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia
dưới bất kỳ hình thức nào”.
Năm 2010, theo kiến nghị của nhiều trường
chuyên, Bộ GD-ĐT có quy định dỡ bỏ “lệnh cấm” người ngoài trường chuyên
được tham gia ôn luyện, tập huấn cho giáo viên, học sinh chuyên dự thi
chọn học sinh giỏi cấp quốc gia
Quy chế thi chọn học sinh giỏi quốc gia ban
hành ngày 25-11-2011 khôi phục quy định học sinh đoạt giải ba trở lên
trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia được tuyển thẳng vào ĐH, CĐ
theo đúng nhóm ngành do bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định cho từng môn thi.
(Nguồn: Bộ GD-ĐT)
Theo Vĩnh Hà – Ngọc Hà – Đăng Ngọc
Tuổi Trẻ
Comments[ 0 ]
Post a Comment
Chào mừng các bạn đã đến với TOBU!
Để có thể để lại nhận xét, bạn cần phải có tài khoản google. Những nhận xét không đúng với thuần phong mỹ tục của Việt Nam sẽ bị chúng tôi xóa mà không báo trước.
Cảm ơn bạn đã để lại nhận xét!