Home » Archives for 12/21/08
Ông Bùi Minh Thế bên máy phát điện chạy bằng biogas. Ảnh: Kiến Giang |
Ông Bùi Minh Thế, gọi thân mật là Bảy Thế, 55 tuổi, làm nghề nông ở ấp Long Thạnh, xã Long An (Châu Thành, Tiền Giang), người nhỏ nhắn, trình độ văn hóa mới lớp 5.
Từ niềm đam mê... ngẫu nhiên
Cách đây 4 năm, một lần ông chạy xe tải (đi chở hàng thuê) từ TP Hồ Chí Minh về Tiền Giang. “Quãng đường chẳng xa, vậy mà chiếc xe tải Hàn Quốc trọng lượng 750 kg “nốc” hết hơn 16 lít xăng” - Ông nói. Xót tiền vì xe người khác cùng loại đi đoạn đường trên chỉ tốn khoảng 7 lít xăng.
Vài ngày sau, ông quay lại TP Hồ Chí Minh gặp một chủ ga ra ô tô thì vỡ lẽ: Xe của ông ở xứ người sản xuất chạy gas, đem về Việt Nam cải tiến chạy xăng nên mới “uống” xăng như uống nước.
Ông Bảy Thế hì hục cả tháng trời tìm cách trị bệnh “tốn” của cái xe. Sau này, cùng đoạn đường Tiền Giang- TP Hồ Chí Minh, xe của ông chỉ mất 8 lít xăng.
Cuộc trò chuyện với ông chủ ga ra ô tô manh nha trong đầu ông Bảy Thế ý nghĩ: Nước ngoài người ta chế xe chạy gas, vậy máy phát điện chạy gas chắc cũng được? Ý tưởng ấy không ngừng thôi thúc ông.
Song nhà nghèo, cái khó bó cái khôn. Một năm sau, cuộc sống đỡ hơn, con cái đã học hành tới nơi tới chốn, có công việc ổn định, ông Bảy Thế gác lại chuyện xe cộ, chúi đầu vào các động cơ để hy vọng thỏa mãn niềm đam mê sáng tạo của mình.
Ông Bảy Thế lại khăn gói lên TP Hồ Chí Minh tìm mua một chiếc xe hơi Toyota loại 4 chỗ, phế thải, tháo ra lấy máy. Ông mua hơn trăm mét ống để dẫn khí biogas của một nhà hàng xóm nuôi heo về nhà làm thí nghiệm…
Ròng rã hơn 2 tháng trời mất ăn mất ngủ, đánh vật với cái máy cũ nát lì lợm. Cuối cùng thì cái máy này cũng chạy ngon lành bằng khí biogas, phát ra dòng điện thắp sáng cả chục cái bóng đèn trong sự thán phục của bà con chòm xóm.
Ông Bảy Thế tiếp tục bước cải tiến mới, chuyển đổi máy phát điện chạy diesel sang biogas. Ban đầu, ông mua một chiếc máy phát điện D8 còn mới tinh trị giá 1,7 triệu đồng về nghiên cứu, cải tiến.
Sau gần một tháng hì hục, ông thất bại. Ý tưởng máy phát điện sử dụng khí biogas không dứt ra được khiến ông tìm mua một máy phát điện chạy bằng diesel D15. Lần này ông thành công.
Máy D15 sau khi bỏ đi hệ thống kim phun, bơm cao áp cùng một số bộ phận khác, được lắp thêm hệ thống tiếp nhận nguyên liệu đã chạy ngon lành bằng biogas, công suất 5kw/h.
Đến máy phát điện Bảy Thế
Ngay lập tức, chiếc máy D15 được ông Tám Đấu, chủ một trại chăn nuôi lớn ở thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành mua với giá 12,5 triệu đồng. “Cái máy đó 3 năm rồi mà vẫn chạy rất tốt”- Ông Tám tâm sự.
Với máy 5kw/h, nhà có trại heo trên 100 con, nguồn khí biogas dồi dào, máy phát điện cung cấp điện cho đủ mọi việc: bơm nước tắm heo, vệ sinh chuồng trại, sử dụng luôn cho máy giặt, tủ lạnh, ti-vi, máy điều hòa...
“Có cái máy này quá sướng, tận dụng được chất thải, không gây ô nhiễm mà lại tiết kiệm được chi phí và không sợ mấy ông điện lực dọa cúp điện nữa” – Ông Tám phấn khích.
Chưa bằng lòng, ông Bảy Thế tiếp tục chuyển đổi máy phát điện từ chạy xăng sang biogas và cũng thành công. Hiện nay, tùy nhu cầu của khách hàng, ông Bảy Thế có thể chuyển đổi và cung ứng máy phát điện biogas có công suất 3kw/h đến 20kw/h với giá từ 4 – 28 triệu đồng.
Hộ nào có nhu cầu cải tiến thì mang máy tới, muốn mua cũng có máy phát điện biogas “Bảy Thế”. Khi có máy, hộ dân xây hầm ủ biogas để trữ khí là có điện.
“Người dân nuôi từ 10 con heo trở lên, có thể sử dụng loại máy 3kw/h, máy 5kw/h sử dụng hộ nuôi 60 – 100 con, còn nhu cầu lớn với quy mô hàng trăm con heo nên chọn loại máy 15-20kw/h, loại này có thể sử dụng 24/24 giờ.
Sử dụng máy cũng khá đơn giản, bà con chỉ cần mở van dẫn khí vào máy và khởi động. Máy phát điện sử dụng biogas chạy êm hơn, khí thải sạch hơn và công suất máy thì không thay đổi so với chạy bằng dầu diesel hoặc xăng” – Ông Bảy Thế nói.
Từ năm 2006 đến nay, anh em ông Bảy Thế đã bán ra thị trường hàng trăm máy phát điện biogas cho khách hàng không chỉ ở các tỉnh ĐBSCL, mà ở khắp các miền trên cả nước.
Năm 2008, ông bán cho trường Đại học Cần Thơ 3 máy và chuyển đổi cho trường này 1 máy phát điện biogas. Máy phát điện biogas của ông Bảy Thế đã được cấp bằng sáng chế.
Kiến Giang-tienphong.vn
Việc mở lớp liên kết đào tạo trong thời gian qua được thực hiện rất ồ ạt. (Ảnh minh họa: VNN). |
Cơ sở liên kết (tức các cơ sở địa phương) chỉ làm mỗi nhiệm vụ tuyển sinh, thu học phí. Còn các cơ sở đào tạo chính thì mang tính chất... kiếm việc làm cho cán bộ, giảng viên nhằm tăng thu nhập. Đó là hàng loạt các sai phạm trong mở lớp liên kết đào tạo ĐH, CĐ được Bộ GD-ĐT công bố vào ngày 16/12. Những nhiệm vụ trọng tâm năm học 2008 - 2009 của công tác thanh tra là tập trung kiểm tra các lớp liên kết đào tạo mở tại địa phương về điều kiện mở lớp, cơ sở pháp lý của chương trình liên kết đào tạo. Theo Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Phan Mạnh Tiến, đào tạo vừa học vừa làm (tại chức) có hai hình thức, một là đặt tại trường, hai là mở các lớp liên kết đào tạo tại địa phương. Cũng vì "lối mở" dành cho ĐH, CĐ này, thực tế nhiều năm qua, hoạt động liên kết đào tạo tại địa phương phát triển theo kiểu "trăm hoa đua nở", bất kể đến các điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên... Trung tâm việc làm cũng liên kết đào tạo... đại học Kết quả thanh tra của Bộ GD-ĐT về công tác thực hiện liên kết đào tạo, việc mở lớp trong thời gian qua được tóm gọn bằng hai từ "ồ ạt". Các trung tâm giáo dục thường xuyên là những nơi "tích cực" nhất trong việc mở lớp. Kế đó là doanh nghiệp tư nhân xin mở lớp rồi trung tâm xúc tiến việc làm cũng mở lớp đào tạo cử nhân ĐH. Từ quá trình kiểm tra, Bộ GD-ĐT còn phát hiện ra một nghịch lý rằng: Nhờ có "ngoại tình", một trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh hiện còn "sướng" hơn một trường ĐH vì, trường ĐH muốn mở ngành phải làm đầy đủ thủ tục hồ sơ sau đó trình Bộ xem xét phê duyệt, nhưng trung tâm giáo dục thường xuyên muốn đào tạo ĐH chuyên ngành gì thì chỉ cần thực hiện liên kết với trường ĐH cùng chuyên ngành ấy mà không phải xin phép gì nhưng vẫn có thể ung dung đào tạo!
Bộ GD-ĐT thừa nhận: Thực tế, đã có trường ĐH triển khai liên kết đào tạo với cả trung tâm giáo dục cấp huyện, trung tâm xúc tiến việc làm cũng liên kết đào tạo ĐH... dẫn đến không quản lý, kiểm soát được nên chất lượng đào tạo kém.
Riêng tại tỉnh Thanh Hóa đã có 32 đơn vị trên địa bàn có đào tạo loại hình này nhưng kết quả kiểm tra trong năm qua của Sở GD-ĐT cho thấy rất nhiều cơ sở không đủ tư cách pháp nhân, không có văn bản cho phép liên kết đặt địa điểm mở lớp. Như tại trường Trung cấp Tư thục Bách Nghệ, năm 2007 với cơ sở vật chất đi thuê nhưng trường vẫn hợp đồng liên kết đào tạo với nhiều trường ĐH, mở 8 lớp ĐH và 2 lớp trung cấp chính quy...
Về phía các trường ĐH, có trường triển khai đào tạo liên kết với hàng chục trung tâm. Điển hình như trường ĐH Kinh tế quốc dân có tới 113 chương trình liên kết.
"Ngoại tình" tràn lan nên "con rơi" cũng tràn lan. Hiện nay, theo thống kê của Bộ GD-ĐT, số học viên tại chức có khoảng 700.000, trong số này có hơn 200.000 học viên giáo dục từ xa; trong đó có khoảng 40% đào tạo tại trường, 60% là "sản phẩm" liên kết đào tạo địa phương.
Cần có sự can thiệp điều chỉnh
Thực tế bức xúc hiện nay cũng đặt ra yêu cầu Bộ GD-ĐT cần sớm có những biện pháp chấn chỉnh như kiểm tra tư cách pháp nhân các trung tâm liên kết, kiểm tra cơ sở vật chất, đội ngũ cán bô, giáo viên của cơ sở... Thanh tra Bộ GD-ĐT cho biết sẽ tiếp tục khẩn trương rà soát lại cơ sở đào tạo tại địa phương, nơi nào đảm bảo đủ cơ sở vật chất mới được tiếp tục hoạt động. Trước mắt, Bộ sẽ kiên quyết đóng cửa những lớp liên kết đào tạo đặt tại trung tâm giáo dục thường xuyên huyện.
Về sự kiên quyết này, ông Phan Mạnh Tiến cũng cho rằng, thực ra việc liên kết đào tạo đã có quy định, Bộ GD-ĐT không mong muốn đi quản lý những việc quá "chi tiết" nhưng trước tình hình hiện nay, cần phải có sự can thiệp, điều chỉnh. Sau khi kiểm tra các cơ sở đặt lớp vào đầu năm 2009, quan điểm của Bộ là nếu có cơ sở nào không đủ điều kiện sẽ kiên quyết giảm chỉ tiêu tuyển sinh, không cho phép mở lớp ở những nơi này.
Để siết chặt quản lý đối với hệ tại chức, từ năm học tới, tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ tại chức sẽ có 4 đợt mỗi năm, vào tháng 3; tháng 4, tháng 10 và tháng 11. Mỗi đợt thi kéo dài 4 ngày từ ngày 15 đến ngày 18 của tháng. Lịch thi từng môn do Bộ GD-ĐT quy định.
Đề thi tuyển sinh hình thức vừa làm vừa học sẽ do Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục đảm nhận.
Trước kỳ thi 2 tháng, các trường báo cáo Bộ GD-ĐT kế hoạch triển khai các đợt thi tuyển sinh; chỉ tiêu và ngành nghề dự kiến tuyển sinh; số môn thi và tên các môn thi; ngày thi, địa điểm thi và địa điểm đặt lớp. |
Mai Minh-dantri.com.vn
Địa chỉ: Thị trấn Đại Từ - Đại Từ - Thái Nguyên
Điện thoại: 0984.280.076
Email: tobuvn@gmail.com
Facebook: http://facebook.com/tobuvn