Home » Archives for 11/23/08
Với thầy Soa, “Hạnh phúc lớn nhất là nhìn thấy học trò ngày càng vượt mình” (Ảnh: Thân Văn Hoàng) |
“Học trò không say mê, không chú tâm, người thầy sẽ không có cảm hứng để sáng tạo trong bài giảng. Nếu khơi đúng mạch tư duy của học sinh, người thầy sẽ giúp các em được tiếp cận, khám phá những vấn đề mới. Cái gì tự học sinh nói ra, các em sẽ dễ tiếp thu và khắc sâu hơn lời thầy giảng”, thầy Soa suy ngẫm.
Cuốn hút và hấp dẫn sinh viên bằng trí tuệ uyên bác và bằng cả tấm lòng tận tụy, yêu nghề, yêu học trò hết mực, Giáo sư Đặng Văn Soa luôn tự "làm mới" mình trong mắt học trò với phương châm “Chỉ có tri thức là không bao giờ chịu già" và bí quyết “Để trẻ mãi, mỗi ngày nên học một điều mới”.
Chính nhờ quan điểm đó mà mỗi giờ giảng của thầy luôn có những tiếng cười, những cánh tay tranh nhau phát biểu, những cuộc thảo luận thú vị. Một sự cộng hưởng đầy hứng thú giữa thầy và trò.
Đối với người thầy 47 tuổi Đặng Văn Soa, niềm vui lớn nhất trong quá trình nghiên cứu và giảng dạy không phải chỉ là những công trình khoa học được công nhận, được đăng trên các tạp chí quốc tế mà trước hết là sự trưởng thành của các thế hệ học trò mà mình đã ra công dìu dắt.
Bởi theo thầy, những giảng viên trong môi trường sư phạm không chỉ là những nhà giáo bình thường mà còn là cầu nối, tiếp tục đào tạo ra nhiều nhà giáo cho nền giáo dục nước nhà. Nếu những thế hệ học trò của họ trưởng thành thì đồng nghĩa với việc nền giáo dục nước nhà sẽ có thêm cơ sở, nền tảng để phát triển. Vì thế với thầy Soa, “Hạnh phúc lớn nhất là nhìn thấy học trò ngày càng vượt mình”.
GS Đặng Văn Soa: "Mỗi nhà giáo phải là một kiến trúc sư giỏi để kiến tạo nên những mối quan hệ tốt trong đời sống, đặc biệt là mối quan hệ với học trò..."
PV: Thưa thầy, tại sao bất cứ một cụ già nào cũng nhắc đến người thầy của mình với một sự tôn kính đặc biệt, đôi khi là thần thánh hóa. Nhưng điều đó dường như lại đang mất dần trong tâm thức của những đứa học trò thời nay?
GS Đặng Văn Soa: Theo tôi thì thời xưa quan hệ thầy trò khác, thế hệ bọn tôi cũng khác và bây giờ, trong điều kiện xã hội thay đổi thì mối quan hệ ấy có khác đi, tuy nhiên vẫn có sợi chỉ đỏ xuyên suốt.
Đạo đức nhà giáo, quan hệ thầy trò đi suốt chiều dài lịch sử theo tôi không mất đi mà đã có sự chuyển đổi. Đó là mối quan hệ gần gũi, nó không phải tình cảm cha con mà là mối quan hệ tiếp nối về tri thức. Sự phát triển của các ngành khoa học, của nhân loại đều phải dựa trên mối quan hệ ấy.
Những người thầy thời xưa được cả xã hội kính trọng bởi họ hội đủ tài năng và đạo đức. Không chỉ là những người truyền đạo học cho học trò, những người thầy còn dạy cho học sinh của mình đạo đức, đạo sống, đạo làm người. Bản thân những người thầy chính là những tấm gương sáng, là “mô phạm” để học sinh noi theo.
Người thầy ngày xưa luôn ý thức được vai trò “người dẫn đường” của mình và họ luôn tuân thủ những quy tắc đạo đức để có thể hoàn thành tốt vai trò của một nhà giáo dục.
Chính vì thế, một giai đoạn dài của lịch sử dân tộc, những người thầy được tôn sùng như những vị thánh, họ có uy tín, có tiếng nói, có ảnh hưởng trong xã hội và người thầy là một hình ảnh đẹp trong tâm thức của người Việt Nam.
Còn ngày nay do sự phát triển của xã hội, nên cái nhìn tôn thờ của học trò xưa đã chuyển sang tôn trọng của học trò ngày nay. Mối quan hệ thầy trò ngày nay là mối quan hệ tương tác nhiều chiều, cùng đưa ra vấn đề, cùng bàn luận và cùng kết luận. Vì thế có thể khẳng định tinh thần “tôn sư trọng đạo” trong tâm thức người Việt luôn chiếm vị trí rất quan trọng.
Tôi đã đi công tác nước ngoài rất nhiều và tôi thấy đây là nét nổi bật trong đạo lý thầy trò của người Việt.
Nói như vậy thì thầy nghĩ như thế nào về vấn đề, dù không phải là phổ biến nhưng đã xuất hiện đó là: thầy cô có hành động bạo lực với học trò, còn học trò hỗn láo với thầy cô?
Theo tôi thì chúng ta cần phải nhìn thẳng, nói thật về vấn đề này. Ở đây có ba khía cạnh cần đề cập đến.
Thứ nhất, trước khi nói về giáo dục trong trường học thì cần nói đến vấn đề giáo dục trong gia đình. Tôi suy nghĩ rất đơn giản, muốn giáo dục trẻ tốt thì phải bắt đầu từ môi trường giáo dục trong gia đình.
Ngày nay có nhiều phụ huynh mang con đến trường học rồi coi như tạm thời hết trách nhiệm. Khi về đến nhà họ lại sử dụng những ngôn ngữ mà có thể gọi là “ngôn ngữ chợ búa” trước mặt trẻ, khiến các em bị ảnh hưởng.
Theo tôi thì người cha, người mẹ dù làm ăn nơi đâu, làm ăn như thế nào, nhưng khi về đến nhà vẫn cần giữ được nếp văn hóa hay còn gọi là nếp nhà. Nếp nhà có tốt thì nhân cách trẻ mới có thể hình thành tốt được.
Thứ hai là vấn đề từ phía nhà trường. Phải lưu ý môi trường giáo dục ở nhà trường lớn hơn so với môi trường giáo dục trong gia đình, bởi ở đây mỗi học sinh lại là một thế giới riêng. Vì thế đòi hỏi mỗi thầy cô, những người đứng ra tổ chức lớp học phải là những người thực sự có lòng yêu nghề, yêu học trò, phải là những tấm gương mẫu mực để học trò noi theo.
Năm 2001, đi công tác ở Thụy Sĩ và tôi đã được “mục sở thị” môi trường học tập của học sinh tại môt ngôi trường cấp II nơi đây. Thực sự tôi thấy rất ấn tượng!
Các em chỉ phải học văn hóa buổi sáng 3 tiếng. Buổi chiều các em được tự tổ chức các hoạt động tập thể như đi picnic, đi siêu thị có sự tham gia, chỉ dẫn của thầy cô. Cách làm ấy đã giúp trẻ được phát triển những kỹ năng sống, được trực tiếp tương tác với môi trường xã hội, rèn luyện tinh thần tập thể và giúp mối quan hệ giữa thầy và trò trở nên thân thiện hơn. Theo tôi các nhà quản lý giáo dục cần nhìn nhận và học hỏi cách làm rất hay này của nước bạn.
Cuối cùng, điều tôi muốn nhấn mạnh đó là sự “thương mại hóa” giáo dục. Một phần trách nhiệm của hiện trạng trên thuộc về quan niệm thương mại giáo dục. Đúng ra trong một lớp học, các em đều phải đóng học phí và đều được đối xử như nhau. Trừ những trường hợp các em có học lực yếu hơn thì các thầy cần để ý hơn.
Thế nhưng hiện tại chúng ta thấy, phụ huynh em nào “quan tâm” thầy cô hơn thì thầy cô sẽ “quan tâm” học sinh đó hơn. Những việc làm như vậy vô tình đã làm cho các em học sinh có cái nhìn khác về thầy cô và một phần cũng làm cho quan hệ thầy trò bị “thương mại hóa”.
Quan hệ thầy trò bị thương mại hóa còn biểu hiện từ việc mở lớp học thêm ồ ạt của các thầy cô giáo. Thậm chí, khi học sinh chưa muốn học mà các thầy đã mở lớp học thêm và bắt các em học.
Mặc dù biết là cuộc sống của các thầy cô giáo còn khó khăn, nhưng sự thái quá ấy sẽ làm cho suy nghĩ của phụ huynh học sinh có sự khác thường, rồi làm cho cái nhìn của học sinh đối với thầy cô của mình cũng có sự lệch lạc đi.
Vậy thì muốn giảm bớt hiện trạng này thì nhiệm vụ phải bắt đầu từ người thầy của những người thầy, nghĩa là từ môi trường giáo dục sư phạm trong hệ thống đại học và trên đại học?
Thực ra thì chúng tôi cũng chỉ là những cầu nối. Bởi vậy mà theo tôi thì dù người thầy của những người thầy, hay người thầy của những học sinh đều phải là những người toàn diện về ba khía cạnh: tri thức, đạo đức và nghiệp vụ sư phạm. Nếu thiếu ba tiêu chuẩn này thì một người thầy khó trở thành một người thầy tốt.
Một người thầy phải có năng lực trí tuệ để truyền thụ kiến thức, đặc biệt là thông tin cập nhật về khoa học để các học trò tiếp nhận. Bản chất của vấn đề dạy học là truyền đạt kỹ năng tư duy. Thầy giỏi phải có khả năng truyền kỹ năng tư duy tốt.
Ngoài niềm say mê phải giúp các em có thể tiếp cận, khám phá những cái mới. Gợi mở vấn đề để các em đi tiếp. Như vậy mỗi người thầy phải lao động cật lực một cách nghiêm túc để đáp ứng nhu cầu tìm tòi, khám phá của học trò.
Bên cạnh ấy thì người thầy giỏi còn cần phải có đạo đức tốt. Đạo đức ở đây thực chất là kỹ năng xử lý các mối quan hệ, và nói gọn lại là kỹ năng sống. Là một người thầy, ngoài nỗ lực chuyên môn còn cần chú ý đến ứng xử trong các mối quan hệ.
Quan hệ gia đình, bạn bè, thầy trò mình đều cần có những chuẩn mực riêng. Bởi vậy mới nói mỗi nhà giáo phải là một kiến trúc sư giỏi để kiến tạo nên những mối quan hệ tốt trong đời sống, đặc biệt là mối quan hệ với học trò.
Theo Tuần Việt
GS Hoàng Tuỵ, một nhà khoa học nổi tiếng về sự chính trực. |
Ở tuổi bát tuần, sức khoẻ của GS Hoàng Tụy không còn dồi dào nhưng trí tuệ của ông vẫn sáng láng và trái tim ông vẫn ngùn ngụt cháy như thời trai trẻ, đặc biệt là thái độ của một trí thức yêu nước với các vấn đề về quốc kế dân sinh và giáo dục. Dưới đây là cuộc trò chuyện của GS Hoàng Tuỵ - nhà toán học số một của Việt Lương không đủ sống làm nảy sinh các căn bệnh của giáo dục Thưa GS, trong bức thư gửi thầy cô giáo nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam vừa qua, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã rất lo lắng trước sự giả dối tồn tại trong ngành và toàn xã hội. Là nhà khoa học nổi tiếng bởi sự chính trực, ông nghĩ gì về nhận xét này? Sự giả dối hiện nay đang có nguy cơ trở thành nỗi nhục trong khi truyền thống dân tộc Việt Nam không phải là dân tộc giả dối. Ngành giáo dục càng không thể là ngành giả dối. Thế nhưng đã có hơn một nhà khoa học nước ngoài nói thẳng với tôi rằng, điều thất vọng lớn nhất mà ông ta cảm thấy là sự giả dối đang bao trùm lên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội ở các tầng nấc. Còn trong lĩnh vực giáo dục, một môi trường cần sự trong sáng? Sinh ra trong một gia đình có đến 4 người là các giáo sư nổi tiếng (Hoàng Phê, Hoàng Chúng, Hoàng Quý), GS Hoàng Tụy là cháu gọi Tổng đốc Hà Nội, người anh hùng Hoàng Diệu là bác ruột. 27 tuổi, ông làm Trưởng ban Tu thư (biên soạn chương trình và sách giáo khoa). Ông là cha đẻ của thuyết Tối ưu toàn cục lừng danh trong toán học, đồng thời là tác giả của hơn 150 công trình công bố trên quốc tế... Ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I, năm 1996.
Tôi không nói ở đây sự giả dối nhiều hơn ở lĩnh vực khác nhưng cũng không nói là ít hơn. Bản chất của giáo dục là trung thực và sáng tạo. Nhưng sáng tạo thế nào khi mà mọi thứ đều phải theo một lề lối, khuôn phép đã quy định sẵn, gần như bất di bất dịch từ mấy chục năm - giữa một thế giới thường xuyên biến động.
Rồi trung thực thế nào được khi mà người ta hàng ngày phải sống trong một môi trường giả dối mà minh chứng rõ nhất là tiền lương công chức. Chẳng ai sống nổi bằng lương nhưng rồi ai cũng sống đàng hoàng, dư giả.
Ngay khi mới nhận cương vị đứng đầu ngành Giáo dục, ông Nhân đã đặt ra hai vấn đề mấu chốt này và điều đó khiến chúng tôi rất mừng. Rồi đến hôm nay, ông lại phải nhắc lại điều đó một cách buồn bã.
Thưa ông, có lẽ cũng cần một sự cảm thông bởi dù là Phó Thủ tướng nhưng Bộ trưởng Nhân nhiều khi cũng "lực bất tòng tâm", bí bách như người "múa gậy trong bị" bởi chỉ một việc tăng lương cho giáo viên, Bộ trưởng Nhân đã nhiều lần đề xuất nhưng đến nay vẫn chưa được chấp thuận?
Muốn chống tiêu cực, muốn người ta trung thực làm việc hết lòng thì điều mấu chốt là tiền lương phải đủ để người ta sống. Sinh thời, có lần Tổng bí thư Lê Duẩn hỏi về việc chống tiêu cực, tôi cũng đã trả lời thẳng thắn như vậy. Trong môi trường giáo dục, khi tiền lương không đủ sống thì người ta sẽ tìm cách xoay xở để bù đắp lại. Còn xoay xở như thế nào đó chính là nguyên nhân các căn bệnh chủ yếu của giáo dục hiện nay.
Lấy việc lọt vào top 200 làm mục tiêu là một sai lệch
Cách đây ít ngày, GS Simon Marginson (ĐH Melbourne - Australia) có nói mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam sẽ có trường đại học lọt vào top 200 trong số các trường đại học nổi tiếng thế giới là rất khó và khi đặt ra mà không đạt được thì sẽ là "thất bại" cho mục tiêu kế tiếp. Là người có hơn 30 năm "lang thang" khắp các trường đại học nổi tiếng thế giới, ông có đồng tình với nhận xét này?
Ở đây có 2 phần. Thứ nhất, tôi không đồng tình với GS Simon về phần đánh giá cao các bảng xếp hạng đại học đã được công bố mấy năm nay bởi nó không phù hợp với những gì tôi đã tận mắt chứng kiến và sự đánh giá chung của nhiều giới khoa học tôi được quen biết. Cách xếp hạng hiện nay thường thiên về các trường nằm trong khối Anh - Mỹ mà xem nhẹ các nước khác như Pháp, Đức và đặc biệt là Nga. Mặt khác, có một số đại học được xếp hạng rất cao mà theo cảm nhận của nhiều người hiểu biết thì không thể như vậy được.
Còn vế thứ hai?
Vế thứ hai, tôi đồng tình với ý kiến đó là một mục tiêu không thực tế, không thiết thực vừa có thể làm sai lệch hướng phấn đấu hội nhập của chúng ta. Không nên cân đo, đong đếm mình bằng một cái cân, một cái thước... không có độ tin cậy cao. Thật ngạc nhiên khi có vị lãnh đạo ngành còn đòi hỏi phải cố gắng đạt mục tiêu đó trước năm 2020.
Chiến lược giáo dục 2008-2020 chỉ là một bản kế hoạch dài hạn
Khi trả lời phỏng vấn chúng tôi, Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã đặt vấn đề cần có một cuộc cách mạng giáo dục triệt để. Theo ông, điều này đã thật sự cần thiết?
Ngay từ năm 2004, chúng tôi gồm 24 nhà khoa học và giáo dục trong đó có 5 giáo sư Việt kiều đã có bản kiến nghị chính thức gửi lên Trung ương, đề nghị cần phải "xây dựng lại giáo dục từ gốc", tức là phải thực hiện về một cuộc cách mạng giáo dục triệt để. Bản kiến nghị này đã được sự ủng hộ khá rộng rãi của xã hội, các nhà khoa học và các nhà quản lý.
Trước đó, ngay từ 1995, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã triệu tập một cuộc họp quan trọng 3 ngày về giáo dục. Nhiều ý kiến xác đáng đã được phát triển trong cuộc họp đó, về sau được nghi lại trong Nghị quyết T.W.II (khoá 8) về giáo dục và khoa học. Tiếc rằng Nghị quyết rất đúng đắn nhưng triển khai thực hiện bất cập nên sau gần 10 năm, Thủ tướng Phan Văn Khải đã phải cay đắng thừa nhận chúng ta không thành công trong khoa học và giáo dục.
Theo ông, không thành công hay thất bại?
Đó là sự thất bại, thất bại lớn.
Ông có quá mạnh mẽ và vì bức xúc mà thiếu khách quan?
Không phải tôi nói mà thực tế cuộc sống đòi hỏi. Chúng ta đã tốn không biết bao nhiêu thời gian, sức lực và tiền của. Ngay cả những người ở ngoài, ví như ông Lý Quang Diệu chẳng hạn, không phải vô cớ mà khi thăm Việt Nam, ông đã thẳng thắn khuyên chúng ta rằng: Thắng trong giáo dục mới thắng trong kinh tế!
Liệu chúng ta đã cần ngay một cuộc cách mạng triệt để?
Rất cần. Trong khung cảnh chương trình và sách giáo khoa hiện nay, nếu cải tiến thì cũng chỉ tạo sự thay đổi lẻ tẻ và không cơ bản. Trong khi đó, thời gian không còn cho phép chần chừ. Chúng ta đã chờ đợi điều đó xảy ra hàng chục năm nay rồi.
Nhưng được biết vừa qua, Bộ GD-ĐT đã xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục 2008-2020?
Chúng tôi đã nghiên cứu bản dự thảo này và nhận thấy bản Dự thảo chưa thể hiện tư duy giáo dục cần thiết. Nó không phải là bản "Chiến lược" mà chỉ là một bản kế hoạch dài hạn được soạn thảo theo lối làm kế hoạch hoá tập trung bao cấp, mọi cái đều áp đặt từ trên xuống trong khi đáng lý ra, chúng ta phải làm ngược lại.
Thi tốt nghiệp là lạc hậu và kém nhân bản
Trong khi chờ đợi kế hoạch cải cách giáo dục thì theo ông có những vấn đề cấp bách gì cần giải quyết?
Khâu đột phá là giáo dục trung học phổ thông và thi cử. Cần thay đổi tổ chức và chương trình, cách dạy ở THPT, để mở ra hai hướng chính cho học sinh đã xong THCS: một hướng đào tạo nghề và một hướng chuẩn bị tổng quát.
Có nghĩa phải cải cách thi THPT?
Thi tốt nghiệp các cấp là việc làm lạc hậu nhất, kém hiệu quả nhất một tàn tích còn sót của lối học cũ. Nó hoàn thiện một chu trình: "Học để thi - Thi để lấy bằng - Lấy bằng để làm quan". Trong khi đó đáng lý học phần nào thi ngay phần đó, thi để học cho tốt, chứ không phải thi vì mảnh bằng.
Nhưng bỏ thi thì lấy gì để kiểm tra kiến thức của người học?
Tôi không nói bỏ thi mà là bỏ kỳ thi tốt nghiệp. Hiện nay, các nước có nền giáo dục tiên tiến không có kiểu thi tốt nghiệp như ta. Giống như việc sản xuất một cỗ máy, họ kiểm tra thật kỹ chất lượng từng chi tiết và khi hoàn thiện, chỉ kiểm tra việc lắp ráp. Trong khi đó ở ta thì gần như bỏ qua khâu kiểm tra chi tiết mà chờ lắp hoàn thiện một cái máy rồi mới kiểm tra tổng thể. Cách làm này đã bộc lộ rất rõ những hạn chế mà nền giáo dục của chúng ta đang phải gánh chịu. Một số nước việc thi cử còn nhẹ hơn ta nhiều như Hàn Quốc, Trung Quốc mà người ta còn gọi là "địa ngục thi cử", không biết ở ta nên gọi như thế nào?
Kinh doanh giáo dục là sự phá hoại ghê gớm
Ông là người phản đối thương mại hoá giáo dục một cách quyết liệt. Tại sao vậy?
Tôi không phản đối thương mại giáo dục mà chỉ phản đối cách thương mại hoá như hiện nay. Trường tư vì lợi nhuận phải được đối xử như các doanh nghiệp tư nhân trong các ngành khác. Nó phải hoạt động như mọi doanh nghiệp khác theo Luật Doanh nghiệp. Còn đối với trường tư phi lợi nhuận thì Nhà nước có thể và nên hỗ trợ về vốn, đất, và không thu thuế.
Nhưng có thông tin rằng hầu hết các trường nổi tiếng trên thế giới đều hoạt động theo mục đích kinh doanh?
Đó là thông tin sai sự thật do thiếu thông tin hoặc vụ lợi. Theo tôi được biết, tất cả các trường tư nổi tiếng thế giới đều hoạt động phi lợi nhuận. Làm giáo dục chạy theo mục đích kiếm tiền sẽ phá hoại ghê gớm nền giáo dục.
Xin cám ơn Giáo sư!
Bùi Hoàng Tám-dantri.com.vn
(Thực hiện)
Địa chỉ: Thị trấn Đại Từ - Đại Từ - Thái Nguyên
Điện thoại: 0984.280.076
Email: tobuvn@gmail.com
Facebook: http://facebook.com/tobuvn