C

Chữ NHẪN - 忍

Saturday, September 06, 2008 |

Có khi NHẪN để yêu thương

Có khi NHẪN để tìm đường tiến thân

Có khi NHẪN để chuyển vần

Thiên thời địa lợi nhân tâm hiệp hoà

Có khi NHẪN để vị tha

Có khi NHẪN để thêm ta bớt thù

Có khi NHẪN tính giả ngu

Hơn hơn, thiệt thiệt, đường tu ai tường?

Có khi NHẪN để vô thường

Không không, sắc sắc, đoạn trường trần ai!

Có khi NHẪN để lắng tai

Khôn khôn, dại dại, nào ai tránh vòng?

Có khi NHẪN để khoan dung,

Ta vui, người cũng vui cùng có khi.

Có khi NHẪN để tăng uy

Có khi NHẪN để kiên trì bền gan

Có khi NHẪN để an toàn

CÓ khi NHẪN để rõ ràng đúng sai

Bạn bè giao thiệp nào ai?

Có khi NHẪN để kính người trọng ta

Kể ra cũng khó dễ mà,

Chữ TÂM, chữ NHẪN xem ra cũng gần

-Đại tướng VÕ NGUYÊN GIÁP-


Giải thích chữ Nhẫn

Soạn giả: Thái Đến Thanh

Chữ Nhẫn là kiên tâm nhẫn nại. Bền lòng nhịn nhục được thì cái tâm mới an-tịnh, nhứt là về phương-diện tu-hành đạo-đức, phải thật hành chữ nhẫn trước hết.

Ðức Khổng-Tử nói: "Tiểu bất nhẫn, tắc loạn đại mưu". Việc nhỏ mà chẳng nhịn thì cái mưu lớn ắt phải hư hoại. Ở đời ta thường thấy những việc nhỏ bằng sợi tóc, vì không nhịn được mà xảy ra sóng gió to lớn, nhiều khi gây nên tai họa giết hại lẫn nhau, là do nơi chẳng chịu kiên-nhẫn mà biến sanh ra nông nỗi.

Có tích xưa: Ông Quách-Tử-Nghi, đời nhà Ðường khi còn nhỏ đang đi học, một hôm ông xem kinh Phật thấy câu "Hắc phong xuy châu phiêu nhập chi khổ hải". Nghĩa là luồng gió đen thổi chiếc thuyền trôi vào trong biển khổ. Ông không hiểu ý câu ấy ra sao, bèn đến hỏi một Hòa-Thượng, vị Hòa-Thượng thấy hỏi như vậy, thì thịnh nộ mắng ông Quách-Tử-Nghi rằng mầy còn con nít biết gì mà dám hỏi những câu đó. Ông Quách-Tử-Nghi thấy vị Hòa-Thượng trả lời như vậy thì nổi giận hầm-hầm tím mặt. Lúc ấy vị Hòa-Thượng bèn ung dung day lại cười mà cắt nghĩa cho ông Quách-Tử-Nghi biết rằng: Sự thịnh nộ của công-tử từ nãy đến giờ tức là luồng gió đen thổi chiếc thuyền trôi vào biển khổ đó....

Ông Quách-Tử-Nghi hồi tâm tỉnh ngộ, bèn chấp tay tạ ơn vị Hòa-Thượng, đã dùng một cách gián-tiếp mà chỉ giáo cho mình. Ôi! Ở đời biết bao nhiêu luồng gió đen, hằng ngày lẩn-quẩn xung quanh mình của chúng ta, nếu chúng ta không hết sức lấy tấm lòng kiên-nhẫn ra chống chỏi, thì cơ hồ thân thể của chúng ta như một chiếc thuyền nhỏ kia, có ngày chìm đắm vào trong bể khổ.

Có bài sách Thầy Tử-Trương hỏi Ðức Khổng-Phu-Tử về chữ nhẫn. "Tử-Trương dục hành từ ư Phu-Tử, nguyện tứ nhứt ngôn vi tu nhân chỉ yếu". Thầy Tử-Trương muốn đi làm việc chánh, bèn đến từ tạ Ðức Khổng-Phu-Tử, xin cho một lời để làm phép sửa mình.

Phu-Tử viết: "Bá hạnh chi bổn nhẫn chi vi thượng". Ðức Khổng-Tử nói: Trăm nết chung gốc chỉ có chữ nhẫn là cao thượng hơn hết.

Tử-Trương viết: Hà vi nhẫn chi. Thầy Tử-Trương hỏi tại sao mà phải nhịn đó. Phu-Tử viết:

Thiên-Tử nhẫn chi quốc vô hại,

Chư-Hầu nhẫn chi thành kỳ đại.

Quan-Lại nhẫn chi tấn kỳ vị,

Huynh-đệ nhẫn chi gia phú-quý,

Phu-phụ nhẫn chi chung kỳ thế,

Bằng-hữu nhẫn chi danh bất phế,

Tự thân nhẫn chi vô họa hoạn.


Nghĩa là: Làm Vua mà biết nhịn thì trong nước không có điều tai hại, bậc chư-hầu mà biết nhịn thì nên nghiệp lớn.

Bậc Quan-Lại mà biết nhịn thì phẩm-vị đặng cao thăng.

Anh em biết nhịn với nhau thì nhà cửa đặng giàu sang.

Chồng vợ biết nhịn thì niềm ân-ái mới đặng trọn đời. Bậu bạn biết nhịn thì danh nghĩa chẳng hư, còn thân của mình mà biết nhịn chẳng lo tai họa.

Tử-Trương viết: "Bất nhẫn hà như". Thầy Tử-Trương hỏi: Còn chẳng nhịn thì dường nào? Phu-Tử viết:

Thiên-Tử bất nhẫn quốc khống hư,

Chư-Hầu bất nhẫn tán kỳ xu,

Quan-Lại bất nhẫn hình phạt tru,

Huynh-đệ bất nhẫn cát phân cư,

Phu-phụ bất nhẫn tình ý sơ,

Tự thân bất nhẫn hoạn bất trừ.


Nghĩa là: Làm Vua mà chẳng nhịn thì nước phải trống không. Bậc Chư-Hầu chẳng nhịn thì hư bại thân mình. Bậc Quan-Lại không nhịn thì phải chịu hình phạt. Anh em chẳng biết nhịn nhau, thì chia của cắt nhà phân ly thủ túc. Chồng vợ chẳng nhịn thì tình nghĩa ra phai lợt. Còn bổn thân của mình mà chẳng biết nhịn thì mọi việc hoạn họa chẳng dứt....

Ðức Khổng-Tử giải nghĩa các bậc rồi, Thầy Tử-Trương ngậm-ngùi mà than rằng: phải lắm, phải lắm, thật là khó thay nếu không có chí kiên-nhẫn thì cũng khổ cho bổn phận làm người.

Trong Kinh Hoa-Nghiêm có câu rằng: "Nhứt niệm sân tâm khởi, bá vạn chướng môn khai". Một phen nư giận nổi lên thì muôn ngàn nghiệt chướng nảy sanh. Trong các kinh sách của Phật, Tiên, Thánh-Hiền hằng ngày dạy nhơn-sanh chữ nhẫn làm đầu, mà con người mơ-màng chưa tỉnh ngộ.

Chúng ta nhận xét qua một trận giông tố, ắt phải có cây ngã, nhà sập, thuyền tàu chìm đắm. Còn người trải qua những cơn thịnh nộ rồi, thường có xãy ra lắm điều tai ương hoạn-họa, khi biết tự-tỉnh ăn-năn thì việc đã muộn rồi.

Vậy mà có nhiều người trải qua biết bao nhiêu lần giông tố, mà cũng không biết kiên-nhẫn chút nào, thật cũng đáng buồn cho đó ...

Có tích Ông Trương-Công-Nghệ:

Ngày xưa ông Trương-Công-Nghệ chín đời cùng ở với nhau một nhà. Có câu: "Trương-Công-Nghệ cửu thế đồng cư". Vợ chồng con cháu có mấy trăm người mà trọn đời chưa có điều chi xích-mích, trong gia-đình bao giờ cũng đấm ấm như khí hòa mùa xuân.

Ngày kia Vua nghe tin bèn ngự giá đến nhà ông mà hỏi rằng: nhà của ngươi dùng cách gì mà trong gia-đình vui-vẻ thuận-hòa với nhau như vậy?

Ông Trương-Công-Nghệ bèn viết một chữ NHẪN thiệt lớn vào trong tấm giấy mà dâng lên cho Vua.... Vua xem rồi lấy làm kính phục, liền ban cho ông một trái lê thử coi ông xử sự ra sao. Ông bèn sai người cắt trái lê bỏ vào trong cái thùng lớn đổ nước nấu sôi, rồi kêu tất cả người trong nhà đến trước mặt, cho uống mỗi người một muỗng, để gọi là chung hưởng ân Vua.

Ôi! Tấm lòng nhẫn nại của ông quý biết chừng nào.

Ðến đổi nhà của ông có nuôi một trăm con chó, mỗi bữa ăn cho ăn cơm nếu thiếu một con nào thì hết thảy cả bầy đều không ăn đứng đợi....

Sự nhẫn nại của ông kịp đến cả súc vật cũng biết nhẫn nhượng như thế. Ðời nay những người không biết kiên nhẫn mà xem đến truyện của ông thì há chẳng hổ mình lắm sao?

Có câu:

Trương-Công-Nghệ trăm phần nhẫn nhịn,

Chín đời cùng xúm-xích ở chung.

Tiếng lành đồn thấu bệ rồng,

Một nhà sum hiệp Cửu-Trùng ban khen.


"Bá nhẫn đường trung hưởng thái hòa"

Nếu trăm điều mà nhịn được hết, thì trong gia-đình sẽ được thuận-hòa vui-vẻ vô cùng.

THI

Huệ Lan chung đứng mái tây hiên,

Biết phải cùng nhau dữ hóa hiền.

Kẻ đố người làm đôi đứa hại,

Trăm điều nhẫn nhịn mới là Tiên.



Trong lịch sử, có rất nhiều câu chuyện nổi tiếng về việc vận dụng chữ NHẪN vào cuộc sống. Xin kể lại chuyện Tôn Tẫn - một trong những câu chuyện được nhiều người biết đến
Tôn Tẫn (khoảng thế kỷ 7 TCN), người nước Tề, là một quân sư, một nhà chỉ huy quân sự nổi tiếng thời Xuân Thu-Chiến Quốc. Tương truyền, Tôn Tẫn là cháu của Tôn Tử, cùng với Bàng Quyên là học trò môn binh pháp của Quỷ Cốc Tử. (Ngoài Tẫn và Quyên, học trò Quỷ Cốc Tử Vương Hủ còn có Tô Tần và Trương Nghi học môn du thuyết.)
Bàng Quyên làm tướng nước Nguỵ, vì ghen ghét tài học của Tôn Tẫn đã mượn pháp luật mà trị tội chặt 2 chân, chạm vào mặt để Tẫn phải giấu mình không lộ diện. Sứ giả nước Tề đến đất Lương (Nguỵ), Tôn Tẫn lén gặp thuyết phục sứ giả. Sứ giả nước Tề cho là kỳ lạ bèn mang trộm lên xe về Tề. Tướng Tề là Điền Kỵ phục tài, tâu với Tề Uy Vương phong Tẫn làm thầy, cùng với Kỵ đem quân đánh Nguỵ. Tẫn ngồi trong xe kín, bày mưu kế cho Kỵ đánh Nguỵ phải kiệt quệ.
13 năm sau, Nguỵ và Triệu đánh Hàn. Hàn cáo cấp với Tề, Tề lại sai Điền Kỵ làm tướng, Tôn Tẫn làm quân sư đi cứu Hàn, tướng Nguỵ là Bàng Quyên nghe vậy bèn rời bỏ Hàn quay về. Tẫn lại bày kế giảm số bếp trong quân lừa Quyên đuổi theo, sắp sẵn 1 vạn quân thiện nghệ cung nỏ, bắn Quyên phải tự đâm cổ chết.

MỘT BÀI THƠ HAY VỀ CHỮ NHẪN
Lưu Đình Tuân

Nhẫn là gì?


Chữ nhẫn ()chiết tự ra gồm chữ đao ()nghĩa là dao, chữ nhận () nghĩa là nhọn, chữ tâm ()nghĩa là tim. Khéo khen ai nghĩ ra cái cấu hình con dao nhọn để trên trái tim như vậy khiến cho chữ nhẫn diễn tả một hành xử được nhiều người chọn trong một xã hội có nhiều áp lực: đó là tính chịu đựng.


Viết chữ nhẫn như thế nào ?

Người viết thư pháp (cũ), khi viết chữ nhẫn thường sáng tác hoặc trích những câu hay của các danh gia để minh họa cho ý mình muốn tìm trong chữ nhẫn, chẳng hạn như hai câu sau:

風 平 浪 靜

退步 海 闊 天 空


dịch âm:

Nhẫn nhất thời phong bình lãng tĩnh.

Thoái nhất bộ hải khoát thiên không.

dịch nghĩa:

Nhịn một lúc, gió yên sóng lặng.

Lùi một bước, biển rộng trời trong.


hay hai câu sau:

忍 是 身 之 寶

不 忍 身 之 殃

dịch âm:

Nhẫn thị thân chi bảo

Bất nhẫn thân chi ương


dịch nghĩa:

Nhịn là [của] báu của thân

Không nhịn [là]vạ của thân


Một chữ nhẫn hay

Những người yêu thư pháp ở Hải Phòng được tổ chức thành Nhóm thư pháp (cũ), thuộc Sở Văn hóa Hải Phòng[1], gồm các cụ viết sớ ở các đền, các đồng chí bộ đội cũ học ở Trung Quốc về, mấy thầy giáo Tây học. Nhóm thành lập chưa được hai năm[2] , nhiều người chưa biết mặt nhau nhưng ngay từ đầu nhiều nhóm viên đã biết một bài thơ hay về chữ nhẫn do một nhóm viên sưu tầm như sau:


自 古 曾 聞 說 偉 人

忍 為 石 柱 立 其 身

神 机 不 外 弧 人 道

刀 刃 中 藏 冇 義 仁



dịch âm:


Tự cổ tằng văn thuyết vĩ nhân

Nhẫn vi thạch trụ lập kì thân

Thần cơ bất ngoại hồ nhân đạo

Đao nhận trung tàng hữu nghĩa nhân


dịch nghĩa:

Tự cổ từng nghe nói vĩ nhân

Nhẫn là trụ đá lập thân mình

Cơ [hội của] thần [cũng] không [ra] ngoài [cây] cung [của] đạo người

Ẩn trong dao nhọn có nghĩa nhân

Ý tứ bài thơ rất hay: ẩn nhẫn đấy nhưng vẫn có tinh thần chiến đấu cách mạng, vẫn có gươm đao giết bọn phản động ; nhưng cái khéo của tác giả là nói lái hai từ cuối của câu trước thành hai từ đầu của câu sau.

Về tác giả, thoạt đầu mọi người cứ tưởng bài thơ của một vị nhóm viên ngồi viết sớ trước cửa chùa Hàng, mãi tới tết Ất Dậu vừa qua ông Đôn, nhóm trưởng nhóm thư pháp (cũ) mới cho mọi người biết tác giả là cụ Hoàng Quốc Nhượng (đã mất), chuyên viên của Bảo tàng Hải Phòng. Cụ Nhượng người Thái Bình, có bút danh là Doãn Công tử.


Ai thích chữ nhẫn?

Nói chung, những người bình thường thích chữ nhẫn để tránh bị người khác thù oán hoặc trù dập… vì thế các cửa hàng bán chữ nhẫn mới nhiều như cửa hàng bán xe máy; còn những người nhiều tiền hay có thế lực thì tôi nghĩ việc quái gì họ phải nhẫn: có tiền mà cứ phải nhẫn nhục dấu diếm hoặc tiêu vụng tiêu trộm thì có tiền làm chó gì.

Có một nghịch lí là những người cốt cách anh hùng lại không bằng những người tầm thường về mặt nhẫn: họ không nhịn được nhục, không nhịn được những việc chướng tai gai mắt; vì thế ta thường gặp những câu công thức như “Lệnh Hồ Xung thấy trong lòng bất nhẫn liền hỏi/ra tay” trong các truyện của Kim Dung hay các truyện cổ như Thủy Hử, Lục Vân Tiên… Nhưng cũng có người anh hùng biết nhẫn, chẳng hạn như Hàn Tín phải nín lặng trước thằng hàng thịt bắt mình phải lòn qua khố hắn. Những người như vậy không nhiều và thường là chưa già, vì già rồi thì nhẫn làm gì nữa, chả nhẽ nhịn tới chết à?

Có một nghịch lí nữa là nhiều người thích nhẫn lại mua chữ nhẫn về treo. Như thế thì khác nào “lạy ông tôi ở bụi này” vì đã nhẫn là phải dấu bặt cái ý nhẫn của mình; hay là những người đó không hiểu nghĩa của chữ nhẫn?

Dưới đây tôi xin mạnh dạn viết lại bài thơ chữ nhẫn của cụ Nhượng.

[1] Nay là Sở Văn hóa – Thông tin.
[2]Bài này viết từ năm 2005
Theo: dantiengtrung.com
Read more…

Trang tài liệu sinh học nước ngoài tuyệt cú mèo ! :D

Wednesday, September 03, 2008 |
Read more…

Còn nhiều điều bất cập về Giáo dục Đại học

Tuesday, September 02, 2008 |

Đúng là còn nhiều cái cần bàn về Giáo dục Đại học ở nước ta. Với cách nhìn của “người trong cuộc”, tôi xin đóng góp một số ý kiến trong tầm hiểu biết của mình.


Chất lượng đào tạo đại học ở nước ta vốn đã thấp kém vì chương trình và cách thức tổ chức đào tạo còn nhiều bất cập, qua quá trình đổi mới chưa thấy nâng lên mà ngược lại còn sa sút hơn. Điều đó, có nguyên nhân quan trọng trước hết là do sự “bùng nổ” của các trường đại học và cao đẳng kéo theo sự tăng quá nhanh số lượng sinh viên, không thể đáp ứng đủ về cơ sở vật chất cần thiết, nhất là chất lượng đội ngũ giảng viên giảm đi rõ rệt, vừa thiếu trình độ chuyên môn cũng như kinh nghiệm thực tế. Phương pháp đào tạo vẫn không có gì đổi mới, còn giảng theo kiểu lý thuyết suông, đơn giản chỉ là viết lý thuyết lên bảng mà không có thực hành.

Đối với các sinh viên thuộc các ngành kinh tế còn tạm chấp nhận được vì không cần phòng thí nghiệm và xưởng thực tập; những sinh viên các ngành công nghệ thì rất thiếu phương tiện thực hành. Thực tế ở nước ta, chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay về các trường có gần đủ các phương tiện thực tập như Đại học: Bách khoa hay Xây dựng.Còn một số trường khác như Đại học Công nghiệp Hà Nội hay khá hơn như Đại học Giao thông Vận tải vẫn ở tình trạng nghèo nàn về cơ sở vật chất và trang bị kỹ thuật, chưa nói đến các trường mới được nâng cấp từ trung cấp lên cao đẳng.

Trường nào cũng vậy, toàn là những xưởng thực tập không ra sao, cứ mỗi lần sinh viên đi thực hành lại phát hiện thêm ở xưởng đó có bao nhiêu thiết hư hỏng, có bao nhiêu con linh kiện không còn hoạt động để lần sau nhỡ có kiểm tra thì nên tránh xa kẻo mà bị vạ lây...

Một nguyên nhân thứ hai, mà tôi nghĩ là là không kém phần quan trọng, đó là do chế độ đãi ngộ dành cho cán bộ giảng dạy, nhất là cán bộ trẻ, quá thấp, không đủ bảo đảm cuộc sống. Thời nay mà các thầy lao động từ sáng tới trưa được “bồi dưỡng” bằng một suất cơm bình dân đạm bạc thì hỏi lấy đâu ra sức lực mà nhiệt tình giảng dạy. Đã có nhiều giáo viên dùng tiết học để giãi bãy nỗi niềm lo toan về vấn đề cơm áo gạo tiền với các sinh viên - những chủ nhân tương lai của đất nước - cứ như là để cho các em biết mà tránh xa cái nghề “trồng người” chỉ cần ăn… không khí để có thể làm nên sự nghiệp ươm hạt giống cho đất nước vậy.

Điều đáng quan tâm khác, đó là vấn đề tiêu cực trong môi trường giáo dục. Không biết có phải ai cũng sợ thầy cho nên rất ít nghe thấy đài báo nói về những tiêu cực trong môi trường này. Tình hình phổ biến ở nhiều trường, môn nào sinh viên không qua được thì cứ “nộp” 2 hoặc 3 “lít” (trăm nghìn) cho thầy là có thể yên tâm về những thứ mà đáng lẽ ra ta phải mất ăn mất ngủ vì chưa học được, chưa nắm được.

Có thầy cô còn lộ liễu mà ép sinh viên đi nộp “lệ phí”. Nếu không đi thì nguy cơ được thầy cô “quý mến” là cái chắc. Cứ thử hỏi bất kỳ một sinh viên nào thì chắc chắn rằng họ sẽ không có dưới 3 cái tên mà họ đã từng phải “lụy” hay ít ra là nghe thấy uy danh của quý thầy cô nào đó. Thử hỏi trong môi trường như thế làm sao mà tránh được tiêu cực cơ chứ.

Điều đáng quan tâm cuối cùng, đó là sự “thăng hoa” của lối sống đua đòi. Qúa nhiều yếu tố của thời buổi cơ chế thị trường khiến cho sinh viên có thể sa ngã bất kỳ lúc nào. Đó là việc mê mẩn chơi đề, Internet, đua nhau sống thử, hút hít thử, dùng thuốc lắc thử, …Ai cũng biết, ai cũng nói, nhưng vẫn thiếu cảnh giác và chẳng ai tìm ra biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa từ xa. Mọi người cứ tưởng đâu những sinh viên hư hỏng ấy có thể là đứa này đứa kia, nhưng không bao giờ là con mình, hay cháu mình.

Ngay sinh viên nhiều khi cứ tưởng mình sẽ không thể bị những tệ nạn ấy cuốn đi. Nhưng ai học chữ ngờ; nó lại len lỏi vào bản thân lúc nào không biết. Thử hỏi phải đối mặt với nguy cơ khó lường như vậy thì sinh viên có bị phân tâm trong việc học hành hay không. Đấy là chưa nói hoàn cảnh xã hội bây giờ, nhiều khi đồng tiền quyết định nhiều chuyện, không những trong quá trình học tập mà cả lúc ra trường khi đi xin việc làm, nhiều khi nó còn có ý nghĩa quyết định hơn cả kết quả phấn đấu của mấy năm học. Điều bất công đó nhiều khi cũng làm nản lòng chuyên cần của không ít sinh viên.

Khuất Thanh


LTS Dân trí - Bài viết trên đây của “một người trong cuộc” cho thấy nhiều nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan làm cho chất lượng đào tạo đại học và cao đẳng ngày càng giảm sút.

Muốn khắc phục được tình hình đó và từng bước nâng cao chất lượng đào tạo đại học, cao đẳng thì điều quan trọng vẫn là đổi mới chương trình cũng như cách thức tổ chức đào tạo; chăm lo xây dựng đội ngũ giảng viên cũng như tăng cường phương tiện giảng dạy và học tập; đưa hoạt động của nhà trường vào nền nếp, kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm những hiện tượng tiêu cực trong môi trường giáo dục.

Thật ra đó không phải là những công việc mới mẻ nhưng muốn đạt được kết quả mong muốn lại đòi hỏi tâm huyết và sự gương mẫu của các cấp quản lý cũng như các thầy cô giáo, tạo thành hiệu quả đồng tâm hiệp lực trong nhà trường vi mục tiêu chung là nâng cao chất lượng đào tạo.

Theo: dantri.com.vn
Read more…

Nhận xét mới nhất


ho