|
Mẹ ơi ! |
---|
Đã từ lâu tôi muốn viết về cuộc đời của mẹ tôi, một người mẹ vĩ đại của chúng tôi, một người phụ nữ có tư tưởng tiến bộ trong việc giáo dục con cái nên người. Cách đây gần 2 năm tôi định viết một bài về mẹ tôi, kể về cuộc đời gian chuân của mẹ tôi để gửi đến chuyên mục "An ninh cuối tháng" của báo An ninh thế giới. Do công việc và cuộc sống nên tôi chưa viết đươc. Và bây giờ khi tôi đã có một weblog riêng thì tôi sẽ viết một bài về mẹ tôi để lưu lại. Không cần phải gửi lên báo nữa.
Bất cứ ai đến Thị trấn Đại Từ, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên hỏi mẹ tôi - bà Vũ Thị Uyên thì hầu như ai cũng biết. Mọi người không chỉ kính trọng bà bởi bà là một người phụ nữ vất vả, thật thà, chất phác, đôn hậu mà mọi người còn biết bà là một người mẹ tuyệt vời nuôi được 4 đứa con ăn học, trưởng thành trong một khu vực mà ở thời điểm mà con trai của một gia đình không nghiện đã là may rồi, là đáng để đem khoe rồi.
Nhân tiện đây tôi xin kể một câu chuyện vui, nhưng cười ra nước mắt mà tôi không thể quên được. Khoảng 4 năm trước trên chuyến xe từ Hà Nội về nhà tôi được nghe một câu chuyện của một người đàn bà với người bên cạnh và lái xe, phụ xe. Bà ta nói chuyện với mọi người về tệ nạn xã hội, rồi tiêm chích ma tuý .... Sau cùng bà vui vẻ, hồ hởi khoe với mọi người: "Tôi có 5 thằng con trai, mặc dù không nghề nghiệp gì nhưng không có thằng nào nghiện cả !"
Ngoài ra ở gàn nhà tôi có một bà có 5 người con trai nhưng cả 5 đã chết vì nghiện ngập, HIV. Giờ chỉ còn có mình người mẹ già 75 tuổi ở một mình. Nhưng còn may là bà còn có 2 người con gái... ...bình thường để có chỗ dựa.
Còn số gia đình mà mà nghiện, HIV chết một, hai thì không kể siết. Có thời kì các "cụ" ra đi nhiều quá, gộp 3 đến 4 "cụ" lại mới thượng thọ được ... 100 tuổi.
Lại nói về mẹ tôi...
Khi mẹ tôi được sinh ra, cũng như bao đứa trẻ khác mẹ tôi được sống trong vòng tay yêu thương, chăm sóc của ông bà ngoại tôi - tuy đó là một cuộc sống khó khăn thiếu thốn. Năm 1946, khi mẹ tôi lên 9 tuổi, thời điểm gia đình khấm khá một chút thì bà ngoại tôi qua đời. Và từ đây cuộc đời đầy gian chuân, vất vả của mẹ tôi bắt đầu.
Sau khi bà ngoại tôi mất không lâu thì ông tôi đi bước nữa. Ông đã lấy một người mà theo các ông bà hàng xóm kể rằng đó là một người "mặt sát tận xương". Mẹ tôi đang từ một đứa trẻ ở tuổi ăn, tuổi ngủ, tuổi học, còn ngây thơ hồn nhiên như bao đứa trẻ khác tới mọi công việc trong gia đình đều đổ dồn lên đầu mẹ tôi. Từ lấy củi, nấu cơm, giã gạo, chăm em, rồi đi đánh dậm ... đến hầu hạ bà di ghẻ mẹ tôi phải làm hết. Còn bà dì ghẻ ấy chỉ có chửa đẻ suốt năm. Khi chửa đẻ bà ấy kiêng rất ghê 3-6 tháng không xuống bếp, không làm gì. Cứ như vậy bà ta đã sinh ra 8 người con. Không chỉ dừng lại như vậy, bà ta còn chửi, đay nghiến, đánh đập mẹ tôi một cách tàn nhẫn. Đó là những trận vụt, những cái kháo vào đầu, dúi đầu vào vách nhà với một đứa trẻ. Còn ông tôi nhu nhược chỉ biết bất lực với người đàn bà ấy bằng một câu nói "con chó đen vẫn hoàn con chó đen".
Do các em đông nên khi ăn cơm mẹ phải luôn tay xới, khi xới được bát thứ hai thì hết cơm rồi. Có hôm mẹ cố ăn nhanh để được ăn 3 bát thì bị bà dì ghẻ chửi: "cái mồm ăn cứ lau láu, lau láu ấy !". Vậy là mẹ phải ăn ít trong khi làm quần quật, luôn chân, luôn tay từ sáng tinh mơ đến nửa đêm ở cái tuổi đang lớn.
Đã có nhiều người đến hỏi mẹ tôi, nhưng bà ta không đồng ý, bà ta sợ mẹ tôi đi lấy chồng rồi thì không ai "hầu hạ" gia đình nữa.
Cuối cùng không chịu được sự đày ải của dì ghẻ nên mẹ đã bỏ nhà ra đi ở tuổi 26. Mẹ tôi đã sang xóm bên, ở đó mẹ được một số người quen cưu mang, giúp đỡ. Sau đó mẹ tôi được làm cấp dưỡng ở trường cấp III của huyên và được đi học thêm bổ túc.
Sau một thời gian học tập, phấn đấu mẹ tôi về làm ở phòng tài chính huyện. Ở đây mẹ tôi đã gặp bố tôi - một cán bộ Trung Ương lên công tác (Vụ trưởng Ban tổ chức Trung ương). Ông hơn mẹ tôi 13 tuổi, vợ đã mất lâu và có 6 đứa con. Với sự ủng hộ của mọi người xung quanh, mẹ tôi đã lấy bố tôi ở tuổi 33.
Thời gian sau đó, lần lượt 4 chị em tôi ra đời. Tôi và anh phía trước được sinh ra là nhờ mẹ vì mẹ đã sinh dấu bố tôi (Do bố tôi đi công tác luôn).
Vì còn mẹ già ở quê (Cao Đại, Vĩnh Tường), rồi bận công việc và nặng gánh 6 đứa con của bà trước nên bố tôi không giúp được gì mẹ tôi mà còn được mẹ tôi cho thêm.
Năm 1984 bố tôi mất, lúc đó chị gái cả 13 tuổi, anh trai thứ hai 10 tuổi, anh trai thứ ba 5 tuổi, và tôi mới 9 tháng tuổi. Trước hoàn cảnh đàn con nheo nhóc, mẹ rất lo lắng vì không biết sẽ phải nuôi dạy chúng tôi như thế nào để chúng tôi ăn học nên người khi thiếu một người đàn ông trụ cột trong gia đình, nuôi dạy như thế nào để không phụ lòng mong mỏi của bố tôi. Mặc dù do công việc nên bố tôi đi công tác suốt, rồi phải chăm nom bà nội và các anh chị con bà trước nên không giúp gì được cho chúng tôi, nhưng ông là chỗ dựa tinh thần cho chúng tôi.
Với đồng lương ít ỏi của một cán bộ công chức không đủ cho chúng tôi ăn học, nên ngoài việc đi làm ở cơ quan mẹ tôi còn chăn thêm vài con lợn và cuốn thuốc lá để bán kiếm thêm đồng rau, đồng cháo .
Và đến năm 1990 thì mẹ tôi nghỉ hưu trong khi chúng tôi ngày càng lớn, nhu cầu ăn học cũng lớn theo. Để có tiền cho các cháu ăn học, hàng ngày mẹ tôi thức dậy từ hai, ba giờ sáng sau đó đạp xe đi các chợ Ký Phú, Minh Tiến, Giang Tiên, Thái Nguyên, Đèo Mạc, Yên Thông… trên các con đường gồ gề, toàn đá cuội cách xa hàng chục kilômét để mua chè, sau đó mang về chợ nhà để bán.
Mặc dù do hoàn cảnh gia đình khó khăn chỉ học đến lớp bẩy bổ túc nhưng mẹ tôi nhận thức được rằng việc cho các chúng tôi hành đến nơi đến chốn là một điều rất quan trọng với tương lai, tiền đồ của anh em chúng tôi. Mẹ tôi vẫn động viên, an ủi chúng tôi cố gằng học tập. Và mẹ thường lấy sự say mê làm việc và học tập của bố chúng tôi ra để làm gương cho chúng tôi học tập và noi theo.
Thấy gia đình khó khăn, mặc dù sau khi học xong 10/10 đã đỗ vào 10 + 2, chị gái cả vẫn quyết định đi xuất khẩu lao động sang Đức theo chính sách của Đảng và Nhà nước cho con em cán bộ đi xuất khẩu lao động (của bố tôi) để giúp đỡ gia đình.
Không phụ lòng mong mỏi của mẹ tôi, sau khi học xong lớp 12 anh thứ hai thi đỗ vào Đại học y Thái Nguyên (và trường Cao đảng kiểm soát, mà ngày nay là Học viện cảnh sát) trong thời điểm “nhất y nhì dược”. Vài năm sau cháu thứ ba thi đỗ vào Trường THPT Chuyên Thái Nguyên. Lúc này gánh nặng về kinh tế cho các chúng tôi ăn học càng lớn mà tuổi mẹ tôi đã cao và lại hay ốm – mẹ tôi đã ốm bẩy năm. Nhưng với tinh thần quyết không để cho các con thất học, mẹ tôi quyết định cắt bán đi một thổ đất để anh em tôi có tiền ăn học.
Khi anh thứ hai ra trường, anh thứ ba học Đại học Luật Hà Nội (và Đại học Tổng hợp) , còn tôi học Trường THPT Chuyên Thái Nguyên thì cuộc sống lại càng khó khăn hơn, mẹ tôi lại cắt bán đi tiếp một thổ đất nữa. Đến nay gia đình tôi chỉ còn lại hơn một trăm mét vuông đất ở.
Cuối cùng thì anh thứ ba ra trường, tôi học Đại học Sư phạm Hà Nội thì cuộc sống của gia đinh tôi mới bớt khó khăn hơn khi có các anh tôi đi làm.
Giờ đây các chúng tôi đã có ngành, có nghề ổn định. Chị gái lớn đã lấy chồng và làm may ở Hà Nội. Anh thứ hai đã có gia đình, là phó khoa xét nghiệm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc. Anh thứ ba thì là giáo viên dạy Luật ở Trường Công nhân Kỹ thuật Lâm nghiệp TW I - ở Hữu Lũng, Lạng Sơn. Còn tôi giờ là giáo viên của Trường THPT Đại Từ.
Mẹ tôi giờ là người hạnh phúc nhất nhì huyện Đại Từ này. Mẹ luôn cười tươi, hãnh diện vì chúng tôi với mọi người! Mẹ tôi ngày càng khoẻ ra !
Mẹ ơi chúng con luôn cầu chúc cho mẹ luôn mạnh khoẻ ! Và chúng con yêu mẹ !
Híc, chuyện gia đình chú làm cháu xúc động quá í! Giờ cháu được sống sung sướng mà học hành lại chẳng ra gì, như không thương bố mẹ í. Đúng là càng sướng càng hư..
ReplyDelete@KA: Cháu nhận thức được thế là tốt rồi! Cố gắng lên! Chú thấy cháu cũng đang rất cố gắng đó! Cứ duy trì đi, chú tin chắc KA sẽ thành công thôi! Đừng học lệch quá. Trường mình học hành rất nghiêm, không cho phép cháu học lệch đâu.
ReplyDeleteLàm thế nào mà mò được ra bài này của chú vậy ? Chú cất kĩ thế cơ mà!
Cháu có mấy ông anh thi khối A được 26, 28 điểm mà cháu thì học tự nhiên như "bò đội nón" í, chán lắm cơ! Học môn tự nhiên là cháu buồn ngủ, khổ thật đấy! Hình như cháu bị di truyền, bố mẹ cháu cũng không khá mấy môn này. hihi. Mẹ cháu cũng là giáo viên giống chú nhưng thương học sinh lắm không như chú đâu.. Năm nay cháu cũng thi sư phạm, thử xem sao!
ReplyDeleteMột người mẹ tuyệt vời, một tấm gương hy sinh cao cả của người phụ nữ Việt Nam. TOBU tuy gia cảnh khó khăn, nhưng cũng may là còn có một người mẹ cao quý. Nhà thơ Hồ Dzếnh đã ca ngợi tấm lòng của người con gái Việt Nam vỏn vẹn trong 4 câu thơ mà ý nghĩa bao la vô cùng tận:
ReplyDeleteCô gái Việt Nam ơi!
Nếu chữ hy sinh có ở đời,
Tôi sẽ nạm vàng muôn khổ cực
Cho lòng cô gái Việt Nam tươi.
Tuy là có một người mẹ cao cả, nhưng sự thành công của TOBU hôm nay cũng là do ý chí quyết tâm của chính mình. Hãy cho tôi được nói lên lòng khâm phục đối với bác gái và cả TOBU nữa.
Hôm trước có một blogger nào đó bắt bẻ Việt văn của TOBU, tôi tuy không lên tiếng bênh vực ai vì không hiểu rõ ràng đầu đuôi câu chuyện. Nhưng đã từ lâu lòng tôi vẫn trân trọng TOBU vì hiểu trước hoàn cảnh gia đình khó khăn thiếu thốn, mà TOBU vẫn tốt nghiệp Đại Học để trở thành một thầy giáo. Tuy nghề gõ đầu trẻ không mang lại cho TOBU một cuộc sống tài chính thoải mái như một số nghành nghề khác trong xã hội. Nhưng đối với tôi, TOBU là một tấm gương của lòng quyết tâm, không đầu hàng trước mọi nghịch cảnh để trở thành một người chân chính, một người mà xã hội lúc nào cũng không thể thiếu.
Tôi hiểu rằng trên đời kiến thức là vô giới hạn, những gì tôi học được trong cuộc đời tôi chỉ là hạt cát bé tí giữa lòng đại dương. Thì làm sao mà một người có thể hiểu biết hoàn hảo được. Nếu như TOBU bị chỉ trích là viết sai tiếng Việt, và cho dù đó có là thật đi nữa thì chắc gì người chỉ trích đã hoàn hảo hơn?
Một người mẹ tuyệt vời thì làm sao có những đứa con hèn được? Tôi kính trọng mẹ của TOBU và TOBU rất nhiều. Tôi rất thích đọc bài viết này của TOBU.
Chúc TOBU luôn thành công và bác gái được nhiều sức khỏe cùng mọi sự may mắn!
Texas ngày 13 tháng 11, 2008
Lê Đức Thắng
@Anh Lê Thắng: Thật vui đã đuợc anh comment ủng hộ! Vâng, một quan điểm triết học em rất tâm đắc anh ạ! Nó chỉ thể hiện bằng một hình rất đơn giản, đó là đường tròn âm dương - Thể hiện trong âm có dương, trong dương có âm. Nên trong hoàn cảnh khó khăn nhất em vẫn lạc quan vì em vẫn nhìn thấy ưu điểm của mọi vấn đề, chứ không phải chỉ nhìn thấy có nhược điểm. Để bằng lòng trước mỗi hoàn cảnh, em cũng luôn hướng nó đi lên, nhìn nhận trên quan điểm phát triển. Chứ không thụ động, chờ đợi.
ReplyDeleteVì vậy khi lên lớp, cũng như cuộc sống rất ít khi em buồn, rất hiếm khi trong em không có sự cố gắng!
Bài viết trên, em viết không ngoa một chút nào. Các điều trên đã được hàng xóm láng giềng, các cụ già xác nhận. Bài viết đó em tham khảo từ bài viết Bản báo cáo thành tích em viết thay mẹ để nộp xác nhận gia đình hiếu học của tỉnh hơn một năm trước.
Chúc anh và gia đình luôn mạnh khỏe và công việc của anh ngày càng thuận lợi!
Mình cảm nhận được anh ToCuong là người sống rất tình cảm và có lẽ rất tự hào về mẹ của mình.
ReplyDeleteUi, ước gì mình cũng có điều gì đó như anh ToCuong để có cái mà tự hào nhỉ... Chẳng lẽ lại tự hào là gia đình mình có truyền thống ba đời làm nông dân chân lấm tay bùn ah :)
wai, sao cí trang wỉ binhvientinhoc gì đó cứ hiện sau mỗi lần mình click là sao zdậy ta?
ReplyDeleteAnh ToCuong xem lại mình có dùng code nào của trang binhvientinhoc hay ko, hoặc là có dùng feed của trang BVTH, hay là dùng feed của blog bạn bè có đặt liên kết với BVTH... rồi gỡ nó ra chứ cứ như vậy woài bất tiện quá.
@Trường Khương:
ReplyDeleteTrong 4 anh chị em mình thì mình là tình cảm và thể hiện được tình cảm với mẹ nhất. Còn các anh chị mình cũng rất thương mẹ nhưng không thể hiện được nhiều. Có lẽ mình là út, được mẹ gần gũi và quan tâm nhất.
Mình luôn công nhận là mình may mắn hơn những người bạn của mình, đó là mình có bố, các anh chị ham học. Vâng, đó là một điều rất quan trọng.
Vì bố mình mất sớm, mẹ lại bận công việc và cũng không được học nhiều (mà mẹ chỉ động viên anh em mình thôi) nên việc học của anh em mình hoàn toàn tự phát, theo sở thích, chưa được khoa học. Kéo theo kết quả chưa được giỏi, xuất sắc quá nổi trội như nhiều người.
Tuy nhiên nói thật là truyền thống học tập của dòng họ mình cũng chưa lớn, chưa lâu. Cụ thể nó chỉ xảy ra ở ông bà, bố mình, và anh chị em mình thôi. Còn gia đình các cô, chú, cậu, gì của cả bên nội và bên ngoài thì việc học tập lại ... rất buồn!
Nói chung theo mình, truyền thống, cụ thể là truyền thống gia đình là do chính bản thân mỗi cá nhân chủ động tạo nên. Nếu không thế hệ sau cũng trông đợi như chúng ta. Kết quả là cái vòng luẩn quẩn thôi không thể thoát ra được. Vì vậy chúng ta nên chủ động tách khỏi cái vòng luẩn quẩn đó để tạo lực, tạo đà, tạo thời gian cho thế hệ sau có điểm xuất phát cao hơn, có thời gian dài hơn để phấn đấu.
Một quan điểm biện chứng mà Trường Khương mới vội vàng chỉ nhìn thấy một mặt:
Chẳng lẽ lại tự hào là gia đình mình có truyền thống ba đời làm nông dân chân lấm tay bùn ah :)
Theo mình, vì sao ta lại không lật ngược lại vấn đề nhỉ ? Tại sao ta không cố gắng để mọi người thấy rằng nhà ta 3 đời làm nông dân lại có một người con giỏi giang, thành đạt như ta nhỉ ? Mà tại sao ta không làm cho ông bà, bố mẹ tự hào vì ta nhỉ ? :D
Có vẻ Trường Khương giỏi vi tính ghê! Mình thì vi tính bình thường.
Hiện tượng đó mình cũng không hiểu. Và hình như Trường Khương nói đúng, chắc site nào đó của bạn bè trên site mình đã đặt liên kết với benhvientinhoc. Hì, hình như giờ hết rồi thì phải !
Gia đình cháu cũng giống chú Trường Khương: Ba đời là nông dân chân lấm tay bùn. Nhưng cháu tự hào về gia đình cháu lắm! Nhất là họ thật thà và lương thiện. Tuy nhiên không thể trách được đôi khi họ cực đoan và không hiểu biết nhiều về những vấn đề cháu cần biết.Nhưng bù lại gia đình dành mọi điều kiện để cháu học tập và không kém bạn bè quá nhiều. Thực ra nhà cháu cũng không phải là "thuần nông". Nông dân thì phải có ruộng đất mà nhà bố mẹ cháu thì không có. Nhưng như vậy càng hay, cả hai đều xuất thân từ nông dân và biết rõ cuộc sống của nhiều giai cấp. Ai cũng muốn cháu và chị gái học tốt,tìm được một công việc không quá vất vả..
ReplyDeleteBố cháu hay kể cho cháu nghe chuyện ngày xưa bố mẹ phải khổ sở và lam lũ như thế nào để sống, để nuôi chúng cháu! Đôi khi cháu rất mệt mỏi khi phải nghe những câu chuyện ấy, nó quá xa và khiến cháu khó tưởng tượng nhưng cháu rất tôn trọng cái quá khứ vất vả, nghèo khó của bố mẹ, có nó thì mới có cuộcn sống ngày hôm nay.
Cháu thì không dám mạnh dạn bày tỏ tình cảm với bố mẹ như chú Tô Cương nhưng cháu luôn tự hào và yêu thương bố mẹ, gia đình..
Cháu học được từ bố mẹ rất nhiều, toàn những điều sách vở chẳng mấy khi nhắc đến. Nó giúp ích cho cháu trong cuộc sống. Hơn nữa chẳng ai tốt với cháu hơn gia đình và bố mẹ cháu nên dù có thế nào với cháu họ vẫn quan trọng nhất.
@KA: Chú rất mừng vì cháu có suy nghĩ rất chính chắn ! Chú ủng hộ cháu ! Cố lên nha !
ReplyDeleteKhông cố là điểm kém với chú đó !
Ui tự nhiên doạ cháu chứ? Híc Cháu vẫn cố mà!
ReplyDelete