C

Từ lễ hội hoa Hà Nội: Đâu chỉ là ý thức người dân

Friday, January 09, 2009 |
Thái độ vô tư cướp hoa của một số người tại lễ hội Phố hoa Hà Nội dịp đầu năm, khiến nó không chỉ dừng lại ở hành vi ứng xử nơi công cộng, dường như, còn có mối liên hệ với lối sống của cộng đồng, với nền giáo dục đã và đang được thực thi.
>> Phố hoa bầm dập sau 2 tối trưng bày
>> Phố hoa thành... phố rác sau bế mạc
Cướp hoa, coi báo cọp và điện thoại chùa

Bảo vệ phải liên tiếp nhắc nhở những cảnh "a la xô"... chụp ảnh.
(Ảnh: Phương Thảo)

“Văn hoá” và “ý thức công dân” là hai yếu tố đang được các nhà chuyên môn đưa ra nhằm giải thích cho vụ lễ hội Phố hoa bị phá nát bởi chính những người dân Hà Nội. Nhưng, cho dù vụ cướp hoa mang dấu hiệu vi phạm văn hoá nhiều hơn pháp lý thì hành vi “giật những lồng chim trên tay ban tổ chức”, vặt sạch những “cây hoa trị giá hơn 20 triệu đồng” đã đủ để cấu thành một số tội danh. Chính quyền ngay lúc ấy lẽ ra đã phải có mặt kịp thời xử lý. Huỷ hoại văn hoá, huỷ hoại hoa và cây cảnh của các nghệ nhân, cũng nghiêm trọng và cần được phản ứng nhanh như khi “an ninh” bị thách thức ở nơi công cộng.

Không biết những người cướp hoa, không bị chụp hình và những người bị chụp hình đưa lên mạng, lên báo, đang cảm thấy thế nào. Ai đang xấu hổ, ai bị “đứt dây thần kinh xấu hổ” như cách nói của chính dân Hà Nội. Nhân sự kiện “hoa tặc”, nhiều người liên hệ tới một hiện tượng tưởng không dính dáng gì tới hoa, đó là gọi điện thoại chùa và coi báo cọp.

Chuyện nhiều người ở Hà Nội chỉ sử dụng điện thoại công sở để gọi, ngay cả những cuộc trò chuyện hết sức riêng tư, cho dù trong túi có cả một chiếc iPhone, là điều chẳng có gì cá biệt. Đồng nghiệp bên cạnh gọi, sếp cũng gọi. Có những vị công chức, suốt cả cuộc đời mình hầu như chỉ đọc báo được bao cấp ở cơ quan. Khi nghỉ hưu thì tìm mọi cách để đọc cọp chứ không chịu bỏ tiền mua báo. Khuynh hướng tranh thủ khai thác tài sản công, dường như, thể hiện rất mạnh mẽ ở những nơi mà sở hữu tư đã từng bị thách thức.

Những chuyện tương tự không xảy ra ở đường hoa Nguyễn Huệ, nhưng cũng không phải nó chỉ có những yếu tố mang tính địa phương (thủ đô). Giỏ hoa và những tài sản công khác, như tờ báo, cuộc điện thoại, được các công chức nhỏ sử dụng “vô tư”, có thể bởi nhiều người nghĩ nó chẳng đáng chi so với những thứ lớn hơn bị “ăn chia” mà không còn được coi là xấu nữa. Khi còn nhỏ, chứng kiến cha mẹ phải tiền bạc cho thầy; khi làm bệnh nhân phải tiền bạc cho bác sĩ; tiền bạc khi vi phạm luật giao thông; tiền bạc để lên chức; tiền bạc để lên báo và để lấy danh hiệu này, danh hiệu khác… Một quan chức cao cấp không còn thấy xấu hổ khi sử dụng chiếc điện thoại trị giá hàng mấy chục tháng lương. Không còn xấu hổ khi con cái “chơi” những chiếc xe hơi trị giá phải tính bằng nhiều tỉ. Không còn xấu hổ khi nói dối, khi thấy cấp dưới rút ruột các công trình... Không xấu hổ khi chỉ vì một cánh hoa mà cả phố hoa bị phá.

Suốt đêm 2/1/2009, các nghệ nhân Hà Nội đã làm lại các tiểu cảnh, cắm lại hoa… nhưng vẻ đẹp ban đầu ở phố hoa và cả trong lòng người đi qua, thì không biết đến bao giờ mới mong khôi phục. Những cụm hoa đẹp giờ đây đã được rào giậu. Nhưng, những hàng giậu ấy không che đậy hết những dấu vết tan hoang, những dấu vết không thể khắc phục sau một vài đêm thức trắng. Năm tới, không rõ Hà Nội có định làm lễ hội hoa nữa không, nhưng chắc Hà Nội cũng nhận ra, cái đẹp không thể được trang trí cho dù có cả một phố hoa rực rỡ.

Huy Đức

“Ăn cắp quen tay…” - TS Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc công ty cổ phần Thái Hà Book

Trước hết tôi phải khẳng định ý thức của nhiều người dân kém quá, mà phải dùng từ là vô văn hoá. Họ nhảy vào cỏ, hái hoa, bẻ cành, sờ mó. Tôi có hỏi và thậm chí hầu như quát một người rằng tại sao lại bẻ hoa. Họ nói thản nhiên “về làm kỷ niệm”. Rồi họ còn quát lại “Có phải hoa nhà ông đâu mà ông giữ?”. Nhưng nếu người bẻ hoa vặt cành là con tôi, tôi nghĩ là lỗi tại mình chưa dạy dỗ, chưa hướng dẫn cho cháu. Vì là cha mẹ, tôi phải có trách nhiệm hướng dẫn, phân tích cho cháu hiểu giá trị của hoa rằng một bông để ở nơi công cộng tất cả cùng ngắm cùng hưởng. Hơn nữa phải giáo dục cho cháu thấy cái gì không phải của mình không được lấy, lấy như vậy là ăn cắp. Ăn cắp dần dần sẽ làm hư con người, có thể quen dần và đi tù.

Ý thức cộng đồng cũng có tính “gia truyền” - Bà Nguyễn Thị Việt Nga, 88 Trần Cung, Cầu Giấy, Hà Nội

Nếu con tôi cũng có hành động vô văn hoá đó, ngay lập tức tôi yêu cầu con đi ra khỏi khu vực đó, đưa con tới trước mặt chủ hàng, nói lời xin lỗi. Mình phải xin lỗi trước, sau đó yêu cầu con xin lỗi rồi cùng con khắc phục hậu quả cho người ta như cắm lại bông hoa vừa bị đổ hoặc đền tiền. Hành vi xin lỗi của mình đã là điều khiến con phải suy nghĩ và day dứt rồi. Dường như ở ta việc giáo dục ý thức cho trẻ nơi công cộng chưa được quan tâm một cách thích đáng. Nhưng để xảy ra việc con trẻ vặt hoa, bẻ cành nêu trên, phải hỏi người lớn có ý thức chưa đã? Nghĩa là người lớn phải là tấm gương trong ứng xử nơi công cộng cho con trẻ.

Trách nhiệm luôn được nhìn nhận từ hai phía - Ông Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường dân lập Lương Thế Vinh, Hà Nội

Cũng như nhiều người Hà Nội, tôi cũng có đi dự lễ hội hoa nhưng nhìn cảnh tượng ở đây còn đáng buồn hơn những gì báo chí phản ánh. Trường hợp con cháu của mình có hành vi như vậy, tôi sẽ không tránh khỏi cảm giác bực tức, phẫn nộ và chắc chắn sẽ phải có biện pháp giáo dục. Cả một không gian văn hoá công cộng giữa lòng Hà Nội như thế mà người ta phá một cách tàn nhẫn. Điều tôi thấy đầu tiên đó là tính văn hoá của người Hà Nội suy giảm.

Nhưng điều tôi thấy đáng buồn hơn là khâu tổ chức lễ hội hoa. Cách làm không chuyên nghiệp, thiếu sự chuẩn bị đã biến phố hoa thành phố đi bộ và hàng rong với mực khô, bỏng bắp, ngô nướng, kem bông... lem nhem và vô cùng nhếch nhác. Câu hỏi đặt ra: trách nhiệm của ban tổ chức ở đâu? Họ đã kêu gọi các nghệ nhân cùng bỏ tiền ra tổ chức nên một phố hoa rực rỡ, vậy mà không thể cùng phối hợp với các công ty bảo vệ, công an, cảnh sát hay người dẹp đường bảo vệ an toàn cho hoa. Đi thưởng lãm hoa đẹp từ Đà Lạt, Thái Lan, Trung Quốc mang về nhưng lại toàn thấy cảnh người ta thi nhau vặt hoa, bẻ cành; cảnh ăn uống, rác rưởi... không thể chấp nhận được. Trách nhiệm, theo tôi, luôn được nhìn nhận từ hai phía.

Cần những chế tài và biện pháp định hướng ý thức công dân - Nhà sử học Dương Trung Quốc,đại biểu Quốc hội

Đứng trên phương diện văn hoá học, tôi cho rằng những hành vi tiêu cực này xuất phát từ một nhu cầu có tính tập quán của người Việt Nam, đầu năm phải có được cái gì đó gọi là có lộc. Tập quán sẽ có cái hay cái dở và đây có lẽ là một tập quán dễ dẫn đến tiêu cực. Chúng ta đã phải có những tuyên truyền cộng đồng mạnh mẽ để hành vi hái lộc đầu năm không trở thành phá hoại môi trường.

Tôi cho rằng để xảy ra điều này, bản thân thành phố Hà Nội và các nhà tổ chức cũng có khiếm khuyết không nhỏ. Không gian của sự kiện chưa hợp lý và co hẹp sự thưởng lãm của người xem, tạo điều kiện cho những vi phạm hữu ý và vô ý. Bên cạnh đó, những gì diễn ra với cây hoa anh đào hồi năm ngoái đúng ra phải là một bài học quý giá, thì dường như các nhà tổ chức không rút được kinh nghiệm gì. Khi ý thức tự giác của người dân chưa cao thì chúng ta phải có những chế tài, những biện pháp để định hướng ý thức đó và dần dần tạo thành một phản xạ cho mỗi công dân.
(Thanh Tuyền - Xuân Thi thực hiện)


TheoSài Gòn Tiếp Thị

Read more…

Nhận xét mới nhất


ho