Đúng là còn nhiều cái cần bàn về Giáo dục Đại học ở nước ta. Với cách nhìn của “người trong cuộc”, tôi xin đóng góp một số ý kiến trong tầm hiểu biết của mình.
Chất lượng đào tạo đại học ở nước ta vốn đã thấp kém vì chương trình và cách thức tổ chức đào tạo còn nhiều bất cập, qua quá trình đổi mới chưa thấy nâng lên mà ngược lại còn sa sút hơn. Điều đó, có nguyên nhân quan trọng trước hết là do sự “bùng nổ” của các trường đại học và cao đẳng kéo theo sự tăng quá nhanh số lượng sinh viên, không thể đáp ứng đủ về cơ sở vật chất cần thiết, nhất là chất lượng đội ngũ giảng viên giảm đi rõ rệt, vừa thiếu trình độ chuyên môn cũng như kinh nghiệm thực tế. Phương pháp đào tạo vẫn không có gì đổi mới, còn giảng theo kiểu lý thuyết suông, đơn giản chỉ là viết lý thuyết lên bảng mà không có thực hành.
Đối với các sinh viên thuộc các ngành kinh tế còn tạm chấp nhận được vì không cần phòng thí nghiệm và xưởng thực tập; những sinh viên các ngành công nghệ thì rất thiếu phương tiện thực hành. Thực tế ở nước ta, chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay về các trường có gần đủ các phương tiện thực tập như Đại học: Bách khoa hay Xây dựng.Còn một số trường khác như Đại học Công nghiệp Hà Nội hay khá hơn như Đại học Giao thông Vận tải vẫn ở tình trạng nghèo nàn về cơ sở vật chất và trang bị kỹ thuật, chưa nói đến các trường mới được nâng cấp từ trung cấp lên cao đẳng.
Trường nào cũng vậy, toàn là những xưởng thực tập không ra sao, cứ mỗi lần sinh viên đi thực hành lại phát hiện thêm ở xưởng đó có bao nhiêu thiết hư hỏng, có bao nhiêu con linh kiện không còn hoạt động để lần sau nhỡ có kiểm tra thì nên tránh xa kẻo mà bị vạ lây...
Một nguyên nhân thứ hai, mà tôi nghĩ là là không kém phần quan trọng, đó là do chế độ đãi ngộ dành cho cán bộ giảng dạy, nhất là cán bộ trẻ, quá thấp, không đủ bảo đảm cuộc sống. Thời nay mà các thầy lao động từ sáng tới trưa được “bồi dưỡng” bằng một suất cơm bình dân đạm bạc thì hỏi lấy đâu ra sức lực mà nhiệt tình giảng dạy. Đã có nhiều giáo viên dùng tiết học để giãi bãy nỗi niềm lo toan về vấn đề cơm áo gạo tiền với các sinh viên - những chủ nhân tương lai của đất nước - cứ như là để cho các em biết mà tránh xa cái nghề “trồng người” chỉ cần ăn… không khí để có thể làm nên sự nghiệp ươm hạt giống cho đất nước vậy.
Điều đáng quan tâm khác, đó là vấn đề tiêu cực trong môi trường giáo dục. Không biết có phải ai cũng sợ thầy cho nên rất ít nghe thấy đài báo nói về những tiêu cực trong môi trường này. Tình hình phổ biến ở nhiều trường, môn nào sinh viên không qua được thì cứ “nộp” 2 hoặc 3 “lít” (trăm nghìn) cho thầy là có thể yên tâm về những thứ mà đáng lẽ ra ta phải mất ăn mất ngủ vì chưa học được, chưa nắm được.
Có thầy cô còn lộ liễu mà ép sinh viên đi nộp “lệ phí”. Nếu không đi thì nguy cơ được thầy cô “quý mến” là cái chắc. Cứ thử hỏi bất kỳ một sinh viên nào thì chắc chắn rằng họ sẽ không có dưới 3 cái tên mà họ đã từng phải “lụy” hay ít ra là nghe thấy uy danh của quý thầy cô nào đó. Thử hỏi trong môi trường như thế làm sao mà tránh được tiêu cực cơ chứ.
Điều đáng quan tâm cuối cùng, đó là sự “thăng hoa” của lối sống đua đòi. Qúa nhiều yếu tố của thời buổi cơ chế thị trường khiến cho sinh viên có thể sa ngã bất kỳ lúc nào. Đó là việc mê mẩn chơi đề, Internet, đua nhau sống thử, hút hít thử, dùng thuốc lắc thử, …Ai cũng biết, ai cũng nói, nhưng vẫn thiếu cảnh giác và chẳng ai tìm ra biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa từ xa. Mọi người cứ tưởng đâu những sinh viên hư hỏng ấy có thể là đứa này đứa kia, nhưng không bao giờ là con mình, hay cháu mình.
Ngay sinh viên nhiều khi cứ tưởng mình sẽ không thể bị những tệ nạn ấy cuốn đi. Nhưng ai học chữ ngờ; nó lại len lỏi vào bản thân lúc nào không biết. Thử hỏi phải đối mặt với nguy cơ khó lường như vậy thì sinh viên có bị phân tâm trong việc học hành hay không. Đấy là chưa nói hoàn cảnh xã hội bây giờ, nhiều khi đồng tiền quyết định nhiều chuyện, không những trong quá trình học tập mà cả lúc ra trường khi đi xin việc làm, nhiều khi nó còn có ý nghĩa quyết định hơn cả kết quả phấn đấu của mấy năm học. Điều bất công đó nhiều khi cũng làm nản lòng chuyên cần của không ít sinh viên.
Khuất Thanh
LTS Dân trí - Bài viết trên đây của “một người trong cuộc” cho thấy nhiều nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan làm cho chất lượng đào tạo đại học và cao đẳng ngày càng giảm sút.
Muốn khắc phục được tình hình đó và từng bước nâng cao chất lượng đào tạo đại học, cao đẳng thì điều quan trọng vẫn là đổi mới chương trình cũng như cách thức tổ chức đào tạo; chăm lo xây dựng đội ngũ giảng viên cũng như tăng cường phương tiện giảng dạy và học tập; đưa hoạt động của nhà trường vào nền nếp, kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm những hiện tượng tiêu cực trong môi trường giáo dục.
Thật ra đó không phải là những công việc mới mẻ nhưng muốn đạt được kết quả mong muốn lại đòi hỏi tâm huyết và sự gương mẫu của các cấp quản lý cũng như các thầy cô giáo, tạo thành hiệu quả đồng tâm hiệp lực trong nhà trường vi mục tiêu chung là nâng cao chất lượng đào tạo.
Địa chỉ: Thị trấn Đại Từ - Đại Từ - Thái Nguyên
Điện thoại: 0984.280.076
Email: tobuvn@gmail.com
Facebook: http://facebook.com/tobuvn
Nói chung đại học của ta đang chủ yếu đào tạo ra những cử nhân, kỹ sư chỉ nói phét! Vâng, từ nói phét truyền tải đầy đủ kết quả giáo dục đó, đó chính là nói liều, nói một cách mơ hồ chứ không phải nói kiểu lý thuyết đã được nắm chắc.
ReplyDeleteGiáo dục chúng ta đã quên mất việc phải đào tạo ra những con người có năng lực vận dụng kiến thức để cải tạo cuộc sống!
Cái quan trọng là trách nhiệm cho hậu quả đó rơi vào ai, hay không rơi vào ai, cha chung không ai khóc, hay chỉ là khiển trách, nhắc nhở, kỷ luật ? Hay chỉ là trò hề ?
Chúng ta không chỉnh đốn ngay thì ngôi nhà đó sẽ ngày càng cao, càng to nhưng mục rỗng ở bên trong. Rồi hậu quả gì sẽ xảy ra ? Vâng, nó sẽ gây ra một tai nạn khủng khiếp, không tưởng tượng nổi !
Mình rất đồng ý với quan điểm rằng giáo dục ta đang đào tạo ra những con người chỉ biết nói phét!
ReplyDeleteCòn ở Thái Nguyên, cao đẳng, đại học được nở rộ. Từ đó việc trở thành giảng viên như là mốt của những người có tiền, có quyền.