Home » Archives for 2008
1- Hiệu ứng 3 chiều cho ảnh trong Word 2007:
Trong Word 2007 có một hiệu ứng rất tuyệt vời giúp bạn biến các tấm hình mình đưa vào bên trong thành các tấm hình 3 chiều. Và bạn nên sử dụng hiệu ứng này để văn bản của bạn trông đẹp hơn.
Muốn thực hiện hiệu ứng này, trước tiên, bạn hãy mở Word 2007 lên, sau đó đưa tấm hình mà bạn muốn chuyển nó thành 3 chiều.
Bây giờ bạn vào Picture Border và chọn mục Weght rồi chọn độ dày cho đường bao lấy khung hình. Đường bao càng dày thì hình 3 chiều sau này sẽ càng đẹp hơn. Sau đó trong bảng màu, bạn chọn màu cho đường bao để nó trông bắt mắt hơn.
Tiếp theo, bạn vào mục Picture Effects > Glow rồi bấm chọn một hiệu ứng trong khung hiện ra. Để có hiệu ứng 3 chiều theo kiểu khác, bạn lại vào Picture Effects > 3D Rotation và chọn tiếp một hiệu ứng.
Tiếp đó, bạn di chuyển chuột vào cạnh của tấm hình và xoay nó qua lại để sao cho dạng 3 chiều hiện ra rõ nhất. Chắc chắn mọi người sẽ thích thú và ngạc nhiên với tấm hình của bạn. Bạn nên dùng dạng 3 chiều với các biểu đồ để nó trông lạ lẫm và bắt mắt hơn khi bạn phải trình bày về những con số.
2- Đổi font cho hàng loạt file Word:
Bạn dễ dàng đổi font chữ cho hàng loạt file Word theo ý bạn muốn trong một thời gian nhanh nhất để giúp cho công việc văn thư của bạn được dễ dàng hơn.
Chương trình hỗ trợ được tải tại đây. Sau khi tải về, bạn hãy mở chương trình lên, sau đó nhấn chuột lên nút Add Word Files rồi tìm đến file Word muốn đổi font, nhấn chuột lên nút Open để đưa nó vào trong cửa sổ làm việc của chương trình.
Nếu bạn có nguyên một thư mục chứa các file Word cần thay đổi font, bạn chỉ việc đơn giản nhấn nút Add All Word files in folder, rồi tìm đến thư mục chứa các file bạn muốn đổi font. Sau đó- trong khung bên dưới, ngay dòng chữ Times New Roman, bạn nhấn nút ▼ rồi chọn cho mình kiểu font chữ muốn chuyển. Cuối cùng, bạn nhấn nút Change Font để chương trình chuyển đổi font chữ các file Word cho bạn.
Vương Thanh Trúc-Tienphong.vn
Chủ đề của năm học 2009 - 2010 là “Năm học đánh giá chất lượng giáo dục”. |
Đó là một trong những đánh giá của Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT) về tình hình triển khai kiểm định chất lượng (KĐCLGD) của các trường ĐH, CĐ. Cũng theo Cục Khảo thí thì hiện nay, Bộ GD-ĐT chưa ban hành cơ chế chính sách cụ thể để khuyến khích các hoạt động đảm bảo và KĐCLGD, chưa xác định cụ thể lợi ích giữa Nhà nước, nhà trường và người học, đặc biệt là lợi ích cụ thể của các trường đại học, cao đẳng. Vì thế, công tác đảm bảo và KĐCLGD chưa trở thành nhu cầu thực sự, chưa có ý nghĩa sống còn đối với nhà trường. Công tác kiểm định chất lượng đã được rục rịch triển khai từ gần 5 năm trước đây nhưng đến nay mới chỉ như “ngày hôm qua”. Hơn 210 ĐH, CĐ “trắng” trung tâm bảo đảm chất lượng Theo TS Nguyễn An Ninh, Cục trưởng Cục khảo thí, mặc dù Bộ GD-ĐT đã có quy định về việc thành lập các đơn vị chuyên trách làm công tác đảm bảo chất lượng (ĐBCL) trong các trường ĐH, CĐ nhưng đến nay vẫn còn có hơn 130 trường cao đẳng, 80 trường đại học chưa có trung tâm, phòng, tổ hoặc bộ phận chuyên trách làm công tác này. Đã thế, đối với các trường có đơn vị chuyên trách đã được thành lập thì tại nhiều nơi chưa có các quy định thống nhất về tên gọi, chức năng và nhiệm vụ nên triển khai chưa đồng bộ, còn lúng túng và kém hiệu quả. Có trường thành lập đơn vị ĐBCL nhưng lại phải… giải thể do không rõ chức năng và nhiệm vụ, không biết phải triển khai những công việc gì, mặc dù Điều lệ trường đại học đã quy định việc này thuộc thẩm quyền của Hiệu trưởng. Về đội ngũ cán bộ làm công tác KĐCLGD tình trạng cũng bi đát không kém khi đội ngũ này vừa thiếu, vừa yếu, hầu hết đều mới và chưa được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ. Hiện nay, ĐH Quốc gia Hà Nội đã tổ chức 2 khóa thạc sĩ đo lường đánh giá giáo dục ở trong nước. Nhưng chỉ mới có rất ít đơn vị như ĐH Thái Nguyên, ĐH Huế, ĐH Quốc gia Hà Nội, Học viện Bưu chính viễn thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Trường CĐ Sư phạm Mẫu giáo TW… quan tâm cử cán bộ đi đào tạo. Thậm chí, hằng năm, Chính phủ Australia có chương trình học bổng ADS hoặc học bổng nỗ lực (Endeavour Award) cho nhiều ngành, nhưng hầu như rất ít cán bộ, giảng viên quan tâm đăng ký học về đo lường, đánh giá và KĐCLGD. Phân cấp chậm + Thờ ơ = “Rùa” kiểm định? Bộ ì ạch, xuống đến cơ sở lại gặp phải sự thờ ơ, việc kiểm định chất lượng của các trường ĐH, CĐ trong nhiều năm qua cũng vì thế mà chỉ dừng lại ở con số vô cùng khiêm tốn: 20 trường trong tổng số trên 350 trường ĐH, CĐ hoàn thành báo cáo tự đánh giá, đã được đánh giá ngoài và đang chờ xem xét công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng. Bộ GD-ĐT đã có chủ trương phân cấp quản lý công tác đánh giá và KĐCLGD. Theo đó, các cơ quan quản lý trực tiếp của các trường có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc việc triển khai tự đánh giá của các trường, tiếp nhận báo cáo tự đánh giá, nghiên cứu và có ý kiến phản hồi cho các trường; giám sát việc triển khai thực hiện các giải pháp cải tiến chất lượng trên cơ sở kết quả tự đánh giá. Tuy nhiên, quá trình phân cấp còn chậm. Xuống đến trường thì nếu không lúng túng triển khai thì cũng là sự lạnh nhạt đón nhận. Như tại ĐH Vinh thì loay hoay mãi về chuyện thành lập bộ phận đảm bảo chất lượng phải thế nào. Lúc đầu, bộ phận này nằm trong phòng thanh tra của nhà trường. Nhưng qua quá trình triển khai thực hiện thấy những bất cập về chức năng của hai hoạt động này nên đã tách ra khỏi thanh tra. Thế là chỉ riêng việc nhập và tách đã mất vô khối thời gian, còn đâu dành cho việc kiểm định! Hay như sự thừa nhận của lãnh đạo trường ĐHSP TPHCM thì lãnh đạo nhà trường chưa có sự quan tâm đúng mức đối với công tác đảm bảo chất lượng nội bộ. Cụ thể, trong phân công Ban giám hiệu, chưa thấy có ai được phân công phụ trách công tác đảm bảo chất lượng. Do đó, khi tiến hành đánh giá thí điểm, nhiều thành viên trong ban lãnh đạo các khoa còn cho rằng đây là việc chiếm nhiều thời gian, không thiết thực! Về phía giảng viên và sinh viên của trường, cũng ít người hiểu được tầm quan trọng của công tác đảm bảo chất lượng. Nhiều giảng viên khi được triệu tập trong các tập huấn hay trong các cuộc họp tiếp xúc với đoàn đánh giá ngoài, đã không đến! Mai Minh-dantri.com.vn
Ông Bùi Minh Thế bên máy phát điện chạy bằng biogas. Ảnh: Kiến Giang |
Ông Bùi Minh Thế, gọi thân mật là Bảy Thế, 55 tuổi, làm nghề nông ở ấp Long Thạnh, xã Long An (Châu Thành, Tiền Giang), người nhỏ nhắn, trình độ văn hóa mới lớp 5.
Từ niềm đam mê... ngẫu nhiên
Cách đây 4 năm, một lần ông chạy xe tải (đi chở hàng thuê) từ TP Hồ Chí Minh về Tiền Giang. “Quãng đường chẳng xa, vậy mà chiếc xe tải Hàn Quốc trọng lượng 750 kg “nốc” hết hơn 16 lít xăng” - Ông nói. Xót tiền vì xe người khác cùng loại đi đoạn đường trên chỉ tốn khoảng 7 lít xăng.
Vài ngày sau, ông quay lại TP Hồ Chí Minh gặp một chủ ga ra ô tô thì vỡ lẽ: Xe của ông ở xứ người sản xuất chạy gas, đem về Việt Nam cải tiến chạy xăng nên mới “uống” xăng như uống nước.
Ông Bảy Thế hì hục cả tháng trời tìm cách trị bệnh “tốn” của cái xe. Sau này, cùng đoạn đường Tiền Giang- TP Hồ Chí Minh, xe của ông chỉ mất 8 lít xăng.
Cuộc trò chuyện với ông chủ ga ra ô tô manh nha trong đầu ông Bảy Thế ý nghĩ: Nước ngoài người ta chế xe chạy gas, vậy máy phát điện chạy gas chắc cũng được? Ý tưởng ấy không ngừng thôi thúc ông.
Song nhà nghèo, cái khó bó cái khôn. Một năm sau, cuộc sống đỡ hơn, con cái đã học hành tới nơi tới chốn, có công việc ổn định, ông Bảy Thế gác lại chuyện xe cộ, chúi đầu vào các động cơ để hy vọng thỏa mãn niềm đam mê sáng tạo của mình.
Ông Bảy Thế lại khăn gói lên TP Hồ Chí Minh tìm mua một chiếc xe hơi Toyota loại 4 chỗ, phế thải, tháo ra lấy máy. Ông mua hơn trăm mét ống để dẫn khí biogas của một nhà hàng xóm nuôi heo về nhà làm thí nghiệm…
Ròng rã hơn 2 tháng trời mất ăn mất ngủ, đánh vật với cái máy cũ nát lì lợm. Cuối cùng thì cái máy này cũng chạy ngon lành bằng khí biogas, phát ra dòng điện thắp sáng cả chục cái bóng đèn trong sự thán phục của bà con chòm xóm.
Ông Bảy Thế tiếp tục bước cải tiến mới, chuyển đổi máy phát điện chạy diesel sang biogas. Ban đầu, ông mua một chiếc máy phát điện D8 còn mới tinh trị giá 1,7 triệu đồng về nghiên cứu, cải tiến.
Sau gần một tháng hì hục, ông thất bại. Ý tưởng máy phát điện sử dụng khí biogas không dứt ra được khiến ông tìm mua một máy phát điện chạy bằng diesel D15. Lần này ông thành công.
Máy D15 sau khi bỏ đi hệ thống kim phun, bơm cao áp cùng một số bộ phận khác, được lắp thêm hệ thống tiếp nhận nguyên liệu đã chạy ngon lành bằng biogas, công suất 5kw/h.
Đến máy phát điện Bảy Thế
Ngay lập tức, chiếc máy D15 được ông Tám Đấu, chủ một trại chăn nuôi lớn ở thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành mua với giá 12,5 triệu đồng. “Cái máy đó 3 năm rồi mà vẫn chạy rất tốt”- Ông Tám tâm sự.
Với máy 5kw/h, nhà có trại heo trên 100 con, nguồn khí biogas dồi dào, máy phát điện cung cấp điện cho đủ mọi việc: bơm nước tắm heo, vệ sinh chuồng trại, sử dụng luôn cho máy giặt, tủ lạnh, ti-vi, máy điều hòa...
“Có cái máy này quá sướng, tận dụng được chất thải, không gây ô nhiễm mà lại tiết kiệm được chi phí và không sợ mấy ông điện lực dọa cúp điện nữa” – Ông Tám phấn khích.
Chưa bằng lòng, ông Bảy Thế tiếp tục chuyển đổi máy phát điện từ chạy xăng sang biogas và cũng thành công. Hiện nay, tùy nhu cầu của khách hàng, ông Bảy Thế có thể chuyển đổi và cung ứng máy phát điện biogas có công suất 3kw/h đến 20kw/h với giá từ 4 – 28 triệu đồng.
Hộ nào có nhu cầu cải tiến thì mang máy tới, muốn mua cũng có máy phát điện biogas “Bảy Thế”. Khi có máy, hộ dân xây hầm ủ biogas để trữ khí là có điện.
“Người dân nuôi từ 10 con heo trở lên, có thể sử dụng loại máy 3kw/h, máy 5kw/h sử dụng hộ nuôi 60 – 100 con, còn nhu cầu lớn với quy mô hàng trăm con heo nên chọn loại máy 15-20kw/h, loại này có thể sử dụng 24/24 giờ.
Sử dụng máy cũng khá đơn giản, bà con chỉ cần mở van dẫn khí vào máy và khởi động. Máy phát điện sử dụng biogas chạy êm hơn, khí thải sạch hơn và công suất máy thì không thay đổi so với chạy bằng dầu diesel hoặc xăng” – Ông Bảy Thế nói.
Từ năm 2006 đến nay, anh em ông Bảy Thế đã bán ra thị trường hàng trăm máy phát điện biogas cho khách hàng không chỉ ở các tỉnh ĐBSCL, mà ở khắp các miền trên cả nước.
Năm 2008, ông bán cho trường Đại học Cần Thơ 3 máy và chuyển đổi cho trường này 1 máy phát điện biogas. Máy phát điện biogas của ông Bảy Thế đã được cấp bằng sáng chế.
Kiến Giang-tienphong.vn
Việc mở lớp liên kết đào tạo trong thời gian qua được thực hiện rất ồ ạt. (Ảnh minh họa: VNN). |
Cơ sở liên kết (tức các cơ sở địa phương) chỉ làm mỗi nhiệm vụ tuyển sinh, thu học phí. Còn các cơ sở đào tạo chính thì mang tính chất... kiếm việc làm cho cán bộ, giảng viên nhằm tăng thu nhập. Đó là hàng loạt các sai phạm trong mở lớp liên kết đào tạo ĐH, CĐ được Bộ GD-ĐT công bố vào ngày 16/12. Những nhiệm vụ trọng tâm năm học 2008 - 2009 của công tác thanh tra là tập trung kiểm tra các lớp liên kết đào tạo mở tại địa phương về điều kiện mở lớp, cơ sở pháp lý của chương trình liên kết đào tạo. Theo Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Phan Mạnh Tiến, đào tạo vừa học vừa làm (tại chức) có hai hình thức, một là đặt tại trường, hai là mở các lớp liên kết đào tạo tại địa phương. Cũng vì "lối mở" dành cho ĐH, CĐ này, thực tế nhiều năm qua, hoạt động liên kết đào tạo tại địa phương phát triển theo kiểu "trăm hoa đua nở", bất kể đến các điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên... Trung tâm việc làm cũng liên kết đào tạo... đại học Kết quả thanh tra của Bộ GD-ĐT về công tác thực hiện liên kết đào tạo, việc mở lớp trong thời gian qua được tóm gọn bằng hai từ "ồ ạt". Các trung tâm giáo dục thường xuyên là những nơi "tích cực" nhất trong việc mở lớp. Kế đó là doanh nghiệp tư nhân xin mở lớp rồi trung tâm xúc tiến việc làm cũng mở lớp đào tạo cử nhân ĐH. Từ quá trình kiểm tra, Bộ GD-ĐT còn phát hiện ra một nghịch lý rằng: Nhờ có "ngoại tình", một trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh hiện còn "sướng" hơn một trường ĐH vì, trường ĐH muốn mở ngành phải làm đầy đủ thủ tục hồ sơ sau đó trình Bộ xem xét phê duyệt, nhưng trung tâm giáo dục thường xuyên muốn đào tạo ĐH chuyên ngành gì thì chỉ cần thực hiện liên kết với trường ĐH cùng chuyên ngành ấy mà không phải xin phép gì nhưng vẫn có thể ung dung đào tạo!
Bộ GD-ĐT thừa nhận: Thực tế, đã có trường ĐH triển khai liên kết đào tạo với cả trung tâm giáo dục cấp huyện, trung tâm xúc tiến việc làm cũng liên kết đào tạo ĐH... dẫn đến không quản lý, kiểm soát được nên chất lượng đào tạo kém.
Riêng tại tỉnh Thanh Hóa đã có 32 đơn vị trên địa bàn có đào tạo loại hình này nhưng kết quả kiểm tra trong năm qua của Sở GD-ĐT cho thấy rất nhiều cơ sở không đủ tư cách pháp nhân, không có văn bản cho phép liên kết đặt địa điểm mở lớp. Như tại trường Trung cấp Tư thục Bách Nghệ, năm 2007 với cơ sở vật chất đi thuê nhưng trường vẫn hợp đồng liên kết đào tạo với nhiều trường ĐH, mở 8 lớp ĐH và 2 lớp trung cấp chính quy...
Về phía các trường ĐH, có trường triển khai đào tạo liên kết với hàng chục trung tâm. Điển hình như trường ĐH Kinh tế quốc dân có tới 113 chương trình liên kết.
"Ngoại tình" tràn lan nên "con rơi" cũng tràn lan. Hiện nay, theo thống kê của Bộ GD-ĐT, số học viên tại chức có khoảng 700.000, trong số này có hơn 200.000 học viên giáo dục từ xa; trong đó có khoảng 40% đào tạo tại trường, 60% là "sản phẩm" liên kết đào tạo địa phương.
Cần có sự can thiệp điều chỉnh
Thực tế bức xúc hiện nay cũng đặt ra yêu cầu Bộ GD-ĐT cần sớm có những biện pháp chấn chỉnh như kiểm tra tư cách pháp nhân các trung tâm liên kết, kiểm tra cơ sở vật chất, đội ngũ cán bô, giáo viên của cơ sở... Thanh tra Bộ GD-ĐT cho biết sẽ tiếp tục khẩn trương rà soát lại cơ sở đào tạo tại địa phương, nơi nào đảm bảo đủ cơ sở vật chất mới được tiếp tục hoạt động. Trước mắt, Bộ sẽ kiên quyết đóng cửa những lớp liên kết đào tạo đặt tại trung tâm giáo dục thường xuyên huyện.
Về sự kiên quyết này, ông Phan Mạnh Tiến cũng cho rằng, thực ra việc liên kết đào tạo đã có quy định, Bộ GD-ĐT không mong muốn đi quản lý những việc quá "chi tiết" nhưng trước tình hình hiện nay, cần phải có sự can thiệp, điều chỉnh. Sau khi kiểm tra các cơ sở đặt lớp vào đầu năm 2009, quan điểm của Bộ là nếu có cơ sở nào không đủ điều kiện sẽ kiên quyết giảm chỉ tiêu tuyển sinh, không cho phép mở lớp ở những nơi này.
Để siết chặt quản lý đối với hệ tại chức, từ năm học tới, tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ tại chức sẽ có 4 đợt mỗi năm, vào tháng 3; tháng 4, tháng 10 và tháng 11. Mỗi đợt thi kéo dài 4 ngày từ ngày 15 đến ngày 18 của tháng. Lịch thi từng môn do Bộ GD-ĐT quy định.
Đề thi tuyển sinh hình thức vừa làm vừa học sẽ do Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục đảm nhận.
Trước kỳ thi 2 tháng, các trường báo cáo Bộ GD-ĐT kế hoạch triển khai các đợt thi tuyển sinh; chỉ tiêu và ngành nghề dự kiến tuyển sinh; số môn thi và tên các môn thi; ngày thi, địa điểm thi và địa điểm đặt lớp. |
Mai Minh-dantri.com.vn
Mỗi khi muốn in các tài liệu văn bản thành sách để đọc, chúng ta chỉ có thể in từng trang A4 sau đó bấm ghim để tạo thành sách . Sách tạo ra theo kiểu này trông rất xấu và khó mở vì nó tạo thành một “cùi sách” rất lớn ở giữa
Các cuốn sách được in trong nhà in, chúng ta thấy chúng đẹp và cũng dễ mở hơn (các sách này gọi là sách có “gáy”, thuật ngữ tiếng Anh gọi là foldbook – sách gập). Dưới đây, bài viết này sẽ hướng dẫn bạn cách in sách gập chỉ bằng một cái nhấn chuột.
In sách lớn (khổ A4 trở lên)
Nguyên tắc cơ bản khi in sách lớn trong trường hợp này là nếu sách muốn tạo ra có kích cỡ 1x thì giấy in phải có kích cỡ 2x, ví dụ in sách A4 trên giấy A3. Phần thử nghiệm này sẽ in thử một bộ tài liệu 500 trang theo kiểu sách “gập” mà không sử dụng phương pháp thủ công như trình bày ở trên. Trước tiên, bạn mở file tài liệu lên bằng MS Word, vào menu File > chọn Page Setup, bấm chọn thẻ Margins, phần Pages, chọn Book fold trong mục Multiple pages hoặc Reverse book fold (để tạo các loại sách đọc theo thứ tự từ sau ra trước). Bấm OK để xác nhận. Kết nối máy tính với máy in hai mặt (nếu không có máy in hai mặt thì không thể làm được), sau đó nhấn Ctrl + P, nhấn Enter để in.
Sau khi in xong, bạn hãy đem các bản in đến các tiệm đóng sách nhờ họ gập “gáy” sách lại rồi đóng thành sách cho bạn. Sách làm theo kiểu này sẽ bền hơn và dễ mở hơn. Không để lại các vết gập đối với các loại sách kích thước lớn.
In sách nhỏ (khổ nhỏ hơn A4)
Sách nhỏ hiện nay rất phổ biến (các loại truyện tranh) và giá in cũng rẻ hơn, bạn có thể dùng để in bất kỳ tài liệu nào nhằm phục vụ cho mục đích lưu trữ về sau này. Để in sách nhỏ, việc thao tác có khác một chút so với in sách lớn. Bạn mở file định in ra, vào menu File > chọn Page Setup, trong thẻ Margins, phần Pages chọn Book fold trong mục Multiple pages. Trong thẻ Document Grid, phần Text flow đánh chọn Vertical trong dòng Direction để hiển thị trang văn bản theo chiều ngang. Nhấn OK để xác nhận chọn lựa. Bây giờ bạn hãy đem đi in và đóng thành sách.
Một số trục trặc thường gặp khi in trên Windows Vista (sử dụng Word 2007)
Nếu bạn sử dụng Word 2007 trên nền hệ điều hành Windows Vista có thể sẽ xảy ra hiện tượng:
- Nội dung các trang trộn lẫn vào nhau khi in.
- Các trang sách không xuất hiện trong văn bản in.
- File lưu dưới dạng PDF có các trang chèn vào nhau.
Các trục trặc này xuất hiện do những máy in hiện nay, nhiều máy chưa hỗ trợ hệ điều hành Windows Vista và Word 2007. Để khắc phục hiện tượng này, bạn có những cách sau:
- Lưu file in dưới dạng Word 2003. Nhấn vào nút biểu tượng Office góc trái bên trên, chọn Save As rồi chọn Word 97-2003 Document. Nhập đường dẫn cần lưu, nhấn OK. Cuối cùng, đem file này đi in bình thường.
- Bạn sử dụng tiện ích máy in ảo có sẵn trong đĩa cài đặt Office. Mở file muốn in, nhấn Ctrl + P, dòng Printer, mục Name, bạn chọn Microsoft Office Document Image Writer, nhấn OK rồi lưu file. File sẽ được lưu lại dưới dạng MDI. Bạn đem file này ra tiệm nhờ họ in mà không cần thiết lập lại.
Benhvientinhoc.com
Trắc nghiệm Toán: Không thấy được tư duy học trò Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) kiểm tra cả trắc nghiệm và tự luận theo hình thức tập trung ở 3 khối lớp. Cụ thể, các môn Văn, Toán, Sử, Địa khối 12 sẽ làm bài tự luận 100% và các môn Lý, Hóa, Sinh kiểm tra 100% trắc nghiệm. Đối với khối 10, 11, các môn trên sẽ kiểm tra theo hình thức 30% trắc nghiệm, 70% tự luận. Riêng môn tiếng Anh sẽ làm trắc nghiệm 100% ở cả 3 khối. Hiệu trưởng Nguyễn Quốc Bình cho biết, đề trắc nghiệm có tối thiểu 4 phiên bản, đề tự luận có 2 phiên bản. Kiểm tra bằng tự luận đòi hỏi HS tư duy logic tốt hơn. Tuy nhiên, theo yêu cầu thi là trắc nghiệm nên trường phải kết hợp. Hơn nữa, trong quá trình học, kiểm tra 15 phút, 1 tiết, trường đã yêu cầu giáo viên phải kết hợp 2 hình thức này. Khi kiểm tra, mỗi lớp sẽ chia thành 2 phòng, một phòng là HS khá trở lên và phòng kia là những HS còn lại. Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Đông, Hà Nội) chia 1.787 HS của 3 khối theo thứ tự A, B, C. Ông Trần Ngọc Năm, Phó hiệu trưởng cho biết, trường kiểm tra đề chung các môn đều theo hình thức tự luận theo thời gian 45 phút, riêng môn Văn, Toán là 60 phút. "Rèn kỹ năng thi trắc nghiệm không mất nhiều thời gian mà chủ yếu rèn kiến thức", ông Năm nhấn mạnh. Thậm chí, năm trước, trường đã kiểm tra học kỳ môn Toán 100% trắc nghiệm; môn Văn 30%. Nhưng thi trắc nghiệm Toán thì tư duy của học trò không được bộc lộ. Chờ chỉ đạo Trường THPT Quang Trung (Hà Đông, Hà Nội) đang chờ chỉ đạo của Sở GD-ĐT về việc thi theo đề chung hay riêng. Tuy nhiên, nhà trường đã lên các phương án chuẩn bị để nếu không thi đề chung, trường đã có sẵn đề riêng. Hiệu trưởng Cao Bạch Vân cho biết, nếu tổ chức riêng, trường sẽ kiểm tra 4 môn trắc nghiệm. Đây là nhu cầu của HS để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp cũng như tuyển sinh vào ĐH. "Có thể HS thông minh sẽ giải được bài theo nhiều cách, nhưng HS trong trường đa số là mức trung bình, nếu bỏ qua không cho làm trắc nghiệm HS sẽ không biết cách làm", bà Vân giải thích. Nhóm HS Trường THPT Việt Đức, HN cho biết, mục tiêu lớn nhất là vào ĐH nên hình thức thi tuyển như thế nào HS sẽ học theo như vậy. Một số HS lớp 12 Trường THPT Quang Trung cho hay, phần lớn các em rất thích làm bài trắc nghiệm vì 3 tiêu chí: nhanh - gọn - nhẹ. Theo Nguyễn Thị Oanh, một số bài kiểm tra như Hóa 15 phút, 1 tiết cũng được làm trắc nghiệm. Tăng tải Không có trong yêu cầu thi trắc nghiệm nhưng thời gian và chương trình học Toán khiến cô Lê Thị Hà, giáo viên Toán, Trường THPT Quang Trung lo lắng. Theo cô Hà, chương trình Toán mới tăng thêm 2 chương (ở lớp 11, 12) nhưng cấu trúc đề thi không bỏ phần nào. Như vậy là tăng tải so với chương trình cũ và nặng với HS. Hiện nay, vẫn chưa ôn tập kiểm tra học kỳ mà vẫn phải chạy theo đúng phân phối chương trình. Đầu vào trường thấp, với thời lượng hiện nay, HS không theo được, cô Hà nêu ý kiến. Băn khoăn trước thực trạng HS học lệch, cô Nguyễn Thị Tuyết Mai, giáo viên Địa lý (Trường THPT Việt Đức) nhận xét, HS học các môn phụ hoàn toàn đối phó để lấy thành tích nhất định. Những môn văn hóa như Sử, Địa ít được chú trọng nên sẽ hạn chế phông kiến thức của HS. Ông Nguyễn Quốc Bình lo lắng, với HS lớp 12, đây là năm đầu tiên thi tốt nghiệp theo chương trình và SGK mới, nhiều kiến thức mới và khó. Dù đã được tập huấn nhưng việc nắm chắc kiến thức không phải mọi giáo viên đều làm được; việc đổi mới phương pháp dạy học cũng chưa được nhuần nhuyễn. Bỏ lối mòn “thi gì, học nấy” Theo ông Nguyễn Thành Kỳ, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD-ĐT Hà Nội, bài kiểm tra cuối kỳ có hệ số cao, giúp HS cải thiện điểm số của môn học trong một học kỳ nên khá quan trọng. Tuy nhiên, không nên đặt quá cao vào hình thức trắc nghiệm vì ra đề, tráo đề không đơn giản. Còn thi trắc nghiệm mà chỉ có một mã đề duy nhất thì càng không ổn. Do đó, có thể lồng ghép khoảng 20-30% nội dung trắc nghiệm để HS có thể làm quen. Trước phản ánh của nhiều giáo viên về tình trạng "chỉ đạo thi học kỳ bằng tự luận nhưng thi ĐH lại có cả trắc nghiệm", Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng không nên phụ thuộc lối mòn thi gì học nấy. "Mỗi hình thức thi đều có ưu nhược điểm riêng, nên cần chọn hình thức thi hoặc kiểm tra phù hợp với mục đích của từng phần nội dung, từng môn học cũng như giai đoạn học", ông Hiển nói. Kiểm tra học kỳ có ý nghĩa đối với việc rút kinh nghiệm và điều chỉnh kịp thời quá trình dạy học. Còn thi tốt nghiệp phổ thông chỉ có 1 lần cuối cấp trung học. Đây là kỳ thi toàn quốc, chủ yếu đánh giá kết quả học tập. Do đó, thi và kiểm tra không nhất thiết phải có kiến thức giống nhau. Với bài kiểm tra học kỳ Bộ không cấm thi trắc nghiệm, nhưng cũng không khuyến khích. Theo Bảo Anh
Vietnamnet
Việc chuyển đổi từ biên chế sang hợp đồng đối với GV vùng đồng bằng đã khó thì đối với vùng miền núi còn khó hơn. |
Nhiều giáo viên đã rất lo lắng khi biết thông tin này. Chị Trần Thị H, giáo viên trường M.N (TP Hà Đông - Hà Nội) đã gần năm làm giáo viên hợp đồng, lương rất thấp và không được cộng tiền đứng lớp. Trong đợt thi công chức vừa qua, cố gắng lắm chị mới vào được biên chế. Chị H băn khoăn: “Nếu chuyển thế thì chế độ có được hưởng như cũ hay lại hưởng theo chế độ hợp đồng?” Còn cô giáo Nguyễn Thị Bốn, có hơn 30 năm trong nghề băn khoăn: “Trước nay hợp đồng và biên chế quyền lợi khác nhau, nếu bây giờ “cào bằng” chế độ giữa giáo viên mới tuyển và giáo viên cũ thì rất thiệt thòi đối với những nhà giáo trên 20, 30 năm tuổi nghề như chúng tôi”. Việc chuyển đổi từ biên chế sang hợp đồng đối với vùng đồng bằng đã khó thì đối với vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa còn khó hơn. Bà Trần Thị Thắm, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Lào Cai tâm sự: “Hiện tại, các trường phổ thông ở các huyện miền núi của Lào Cai ngoài 7.000đ học phí/tháng nhà trường không có khoản thu nào. Không phải đóng góp, học sinh còn không đến trường. Muốn có học sinh, giáo viên phải đến tận nhà để vận động”. “Trong chế độ biên chế giáo viên miền núi, ngoài lương còn được hưởng các khoản phụ cấp ưu đãi hàng tháng, nhưng vẫn ít giáo viên nào muốn lên miền núi. Vì vậy, tôi sợ khi chuyển sang hợp đồng, những vùng như: miền núi, hải đảo và những những vùng kinh tế đặc biệt khó khăn vốn đã thiếu giáo viên, càng trở nên thiếu trầm trọng hơn” - bà Thắm bày tỏ lo lắng. Giải thích những băn khoăn, lo lắng của các giáo viên về dự thảo này, ông Phạm Mạnh Hùng - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết: “Đây mới là dự thảo cho chiến lược phát triển giáo dục từ năm 2009-2020 và đang trong quá trình nghiên cứu. Khi xây dựng văn bản chính sách thì phải làm theo quy trình chặt chẽ và còn phải lấy ý kiến từ các Bộ, ngành, các nhà quản lý giáo dục, giáo viên… Hơn nữa, đây là vấn đề nhạy cảm, liên quan đến đời sống của từng giáo viên nên rất thận trọng”. Ông Hùng cho rằng, “sẽ không chuyển đổi giáo viên đã trong biên chế sang hợp đồng mà vẫn giữ nguyên chế độ biên chế đến khi họ về hưu. Quy định mới sẽ áp dụng đối với các giáo viên mới tuyển dụng”. Theo nhiều giáo viên và nhà quản lý giáo dục, chuyển đổi mô hình tuyển dụng giáo viên là đúng vì chất lượng giáo dục phải là sự cạnh tranh và trên thực tế có rất nhiều giáo viên bỏ biên chế sang hợp đồng để có thu nhập khá hơn. Nhưng đó là sự tự nguyện của một bộ phận nhỏ giáo viên chứ không phải là tất cả. Do vậy, mô hình giáo dục chuyển từ biên chế sang hợp đồng có thể sẽ gặp nhiều khó khăn mà khó khăn lớn nhất vẫn là sự đồng thuận của giáo viên, giảng viên. Vì vậy, trong quá trình thực hiện cần phải làm tốt công tác tư tưởng, nếu không sẽ gây tâm lí không tốt cho giáo viên. Hồng Hạnh-dantri.com.vn
Phần I: Kĩ thuật lồng các hiệu ứng media và thiết kế giao diện chuẩn.
- Đôi khi bạn phải trình bày trước đám đông, hay hội thảo về một vấn đề gì đó, khi ấy, trong thời buổi công nghệ thông tin hiện nay – bắt buộc bạn phải có một vài slide Power Point để làm cho phần trình bày của mình thêm phong phú và hình tượng.
1- Chuẩn bị:
Công cụ bạn cần đầu tiên chắc chắn phải là chương trình MS Power Point, ngoài ra còn một số công cụ thay thế khác nhưng các tính năng không phong phú và mạnh mẽ như MS Power Point của Microsoft được.
Trong mẫu bài viết này, chúng ta dùng MS Power Point 2003 vì nó được nhiều người dùng hơn. Tiếp theo, bạn cần thêm các hình ảnh hoặc file video minh họa cho các nội dung trình bày của mình.
2- Định hình bố cục slide nội dung:
Có nhiều dạng slide khác nhau với các bố cục kích thước những khung nội dung khác nhau để bạn có thể trình bày theo ý thích của mình. Trước tiên, bạn hãy mở Power Point lên, nhấn giữ cùng lúc 2 phím Ctrl và F1 ngay lập tức một khung chữ nhật sẽ hiện ra phía bên tay phải.
Trong khung này, phía trên cùng, bạn nhấn chuột lên nút rồi chọn mục Slide Layout. Khi đó, một loạt các kiểu slide khác nhau hiện ra để bạn có thể tùy chọn cho mình một cái theo từng mục đích sử dụng. Các slide có biểu tượng đồ thị chuyên dùng để chứa đồ thị, slide có biểu tượng media dùng để chứa các đoạn video, âm thanh, slide có biểu tượng bảng biểu thì để chứa các bảng số liệu,…Tuy nhiên, người ta thường chọn loại slide “Title and Text” vì nó có không gian lớn nhất cho việc hiển thị nội dung. Bạn hãy đưa chuột lên phần slide giống như hình bên dưới rồi nhấn chọn nó.
Khi slide hiện ra, phía khung nhỏ ở trên – bạn điền tựa đề của slide, phần khung to bên dưới – bạn điền nội dung mà mình muốn trình bày vào. Nếu các bạn có dịp xem qua các slide thuyết trình mẫu của những diễn giả hàng đầu trên thế giới, thì bạn thấy họ cùng chung một đặc điểm là các slide đó rất ít chữ, và nó chủ yếu chứa hình, video minh họa mà thôi.
Đơn giản là vì, các slide chỉ có mục đích hỗ trợ cho bạn trình bày tư tưởng cho mọi người nghe, vì thế, khi bạn làm các slide mà đưa vào đó nhiều chữ, thì thính giả bên dưới sẽ chăm chú lo đọc những gì bạn viết trên slide và không nghe bạn nói gì nữa.
Do tất cả những gì bạn nói – đều nằm trên slide, và khi bạn trình bày, sẽ không còn gì mới để họ nghe nữa. Trong một vài trường hợp tệ hơn, nhiều khi bạn đang trình bày, thì thính giả sẽ yêu cầu bạn cho xin file của slide bạn đang trình bày, lúc ấy, nếu thật sự slide của bạn chỉ toàn chữ với chữ thì bạn nên hiểu ngay, họ muốn nhắc khéo là, những gì bạn nói – đều có trong slide cả và bạn…không cần trình bày thêm làm gì nữa, chỉ cần cho họ các slide ấy để họ về đọc là xong. Vì vậy, bạn hãy nhớ lấy nguyên tắc đầu tiên, ấy là hạn chế viết chữ trong slide.
3- Chỉnh kích thước slide:
Đôi khi, bạn gặp phải trường hợp, các slide của bạn có kích thước quá to hoặc quá nhỏ khiến cho việc thao tác trên slide đó trở nên khó khăn hơn. Nếu kích thước slide quá nhỏ thì bạn phải căng mắt ra để nhìn các chữ, còn slide quá lớn thì lại không thể nhìn thấy toàn bộ bố cục trong slide.
Cho nên, vào những lúc ấy, bạn hãy bấm chọn slide rồi nhấn cùng lúc hai phím Ctrl + A sau đó vào View > Zoom, rồi chọn mục Fit. Nhấn OK để xác nhận, và bây giờ, slide sẽ được đưa về kích thước giúp bạn dễ thao tác hơn.
4- Bổ sung hình minh họa:
Khi bạn làm Power Point thì chắc chắn bạn phải đưa hình vào trong đó, trước nhất là để minh họa các ý tưởng, thứ nữa là làm cho các slide trông bắt mắt hơn.
Muốn đưa hình vào các slide, bạn chỉ đơn giản tìm đến tấm hình đó, nhấn chuột vào nó rồi nhấn Ctr + C, sau đó, quay lại slide mà bạn muốn đặt hình trong đó và bấm Ctrl + V. Ngay lập tức tấm hình sẽ được đưa vào.
Để điều chỉnh kích thước hình, bạn chỉ việc đưa chuột lên các chấm trắng tròn quanh hình, nhấn chuột lên nó rồi kéo đi để làm thay đổi kích thước hình sao cho phù hợp. Nếu muốn phục hồi lại kích thước của tấm hình, bạn chỉ việc nhấn chuột kép lên tấm hình, trong cửa sổ mở ra, thẻ Size, bạn nhấn chọn nút Reset > OK là được.
5- Bổ sung “cây liên hệ”:
Khi cần trình bày về các hệ thống cơ quan trong một công ty, các thành viên trong một gia đình, hay đơn giản là các thủ tục khi giải quyết một vấn đề, hoặc các yêu cầu cho một mục tiêu,…thay vì bạn làm công việc liệt kê thì bạn nên sử dụng “cây liên hệ” để cho việc trình bày được trong sáng và rõ ràng.
Muốn thế, bạn hãy tạo ra một slide mới, sau đó vào Insert > Diagram. Trong này hiện ra một nhóm các loại “cây liên hệ” để bạn chọn lựa. Bạn hãy chọn cho mình một kiểu thích hợp rồi nhấn OK. Sau đó, trong các ô “click to add text” – bạn chỉ việc nhấn chuột lên đọ rồi điền các ghi chú vào.
Để tạo dựng các “cây liên hệ” theo dạng cành nhánh, bạn hãy vào Insert > Picture > Organization Chart. Bây giờ, bạn có một “cây liên hệ” với 1 “gốc cha” và 3 “nhánh con”.
Muốn thêm các nhánh khác, bạn bấm chọn lên nhánh muốn thêm nhánh liên quan, rồi trong thanh công cụ Organization Chart ở bên cạnh, bạn vào Insert Shape, sau đó đánh chọn mục Subordinate để thêm nhánh “cháu”, Coworker để thêm nhánh “con”, và Assistant để thêm nhánh “mẹ”…Tùy theo bố cục trình bày, bạn có thể chọn bao nhiêu nhánh cũng được.
Để thay đổi cách hiển thị các nhánh, bạn bấm chọn nhánh “cha” rồi vào Layout và chọn Both Hanging để hiển thị theo dạng canh đều, Left Hanging để hiển thị theo hướng từ phải qua, Right Hanging hiển thị theo hướng từ trái qua, Standard để quay về cách hiển thị mặc định ban đầu, còn AutoLayout để chuyển cách hiển thị đang dùng thành cách hiển thị mặc định cho các “cây liên hệ” khác.
6- Sử dụng âm thanh, video hiệu quả:
Việc đưa âm thanh hay video vào trong Power Point nói chung cũng tương đối đơn giản nếu các định dạng file được Power Point hỗ trợ. Còn ngược lại, bạn phải mất công cài đặt thêm các công cụ hỗ trợ khác cho Power Point như hỗ trợ chạy flash…và bây giờ - Power Point của bạn sẽ cồng kềnh thêm và trong trường hợp hội thảo khoa học, bạn phải dùng máy của người khác để chiếu Power Point của mình mà máy đó không cài đặt các chương trình hỗ trợ kia thì bạn sẽ không thể thựuc hiện được.
Cho nên, bạn hãy chuyển các file âm thanh, video về chuẩn hỗ trợ có thể chạy trong Power Point là tốt nhất. Công cụ giúp bạn chuyển đổi về dạng chuẩn có thể sử dụng là chương trình FLV to AVI MPEG WMV 3GP MP4 iPod Converter, tải tại đây.
Sau khi tải về và cài đặt, bạn hãy mở chương trình lên, mục Output Folder bạn nhấn nút Change rồi chọn thư mục Desktop > OK. Tiếp theo, bạn kéo thả file âm thanh – video vào trong cửa sổ làm việc của chương trình, rồi trong mục Profiles, bạn tìm đến định dạng WMV - Window Media Video (*.wmv) cho các file video, còn chọn MP3 - MPEG Layer-3 Audio (*.mp3) cho các file âm thanh. Sau đó, bạn nhấn nút Convert để chuyển đổi định dạng cho các file.
Với file video, bạn nên dùng thủ thuật đưa nguyên chương trình Windows Media Player vào trong Power Point để có thể tùy chỉnh chiếu chọn lọc, chiếu nhanh, chiếu chậm, tạm dừng hoặc chọn đúng đoạn cần chiếu một cách nhanh chóng (nếu chiếu bằng flash hay flv,…thì bạn chỉ có thể mở video lên rồi chờ cho chiếu hết chứ không can thiệp giữa chừng được).
Muốn thế, bạn vào Insert > Object, trong cửa sổ hiện ra, khung Object type - bạn tìm mục Windows Media Player rồi nhấn chuột lên nó và bấm OK. Ngay lập tức, bạn sẽ đưa được chương trình chiếu phim vào ngay trong Power Point. Bạn nhấn chuột phải lên cửa sổ chương trình Media này rồi chọn Properties, bấm chọn mục Custom rồi nhấn nút > Browse và tìm đến file video kia, bấm Open > OK > để đưa nó vào trong Power Point của bạn.
Với file âm thanh, bạn cũng làm tương tự như trên. Một trục trặc mà hầu hết mọi người đều gặp khi phải chuyển file Power Point có lồng âm thanh, video sang sử dụng ở máy khác là nó…không chạy được các nội dung âm thanh, video này mặc dù định dạng của chúng đã đúng chuẩn Power Point.
Nguyên nhân, là do do khi đem file Power Point sang máy khác, bạn quên đem theo các file âm thanh – video. Do đó, để tránh các trục trặc này, mỗi khi bạn thiết kế một file Power Point và phải đem sang máy khác, trước tiên, bạn nhấn chuột phải lên desktop rồi chọn New > Folder để tạo một thư mục.
Bây giờ, bạn đưa các file âm thanh, video vào trong thư mục này và lập lại các bước như trên, trong đó đến phần “…nhấn nút Browse và tìm đến file video…” thì bạn sẽ tìm địa đến file video, âm thanh mà bạn đã đặt sẵn trong thư mục trên Desktop. Sau đó, bạn chỉ việc copy toàn bộ thư mục đó cùng với file Power Point là sẽ không bị các rắc rối như trên nữa.
Để làm âm thanh nền cho Power Point, trong slide đầu tiên, bạn hãy vào Insert > Movies and Sounds > Sound from File... rồi tìm đến file âm thanh muốn dùng làm hình nền.
Trong Pop-up hiện ra, bạn nhấn chọn Automatically để tự động mở âm thanh nền khi trình chiếu slide. Tiếp theo, bạn nhấn chuột phải lên biểu tượng cái loa rồi chọn Custom Animations.
Trong khung bên phải, bạn nhấn chuột lên nút bên cạnh file nhạc rồi chọn Effect Options, mở thẻ Effect, mục After, bạn hãy điền số slide mà file Power Point của bạn có (nó nằm ở góc dưới, bên trái của chương trình Power Point) rồi nhấn OK để xác nhận chọn lựa. Bây giờ, bạn đã có một âm thanh nền thật hay cho Power Point của mình rồi đó.
7- Tạo dựng “thương hiệu” cho slide:
Ở một số khoa trong trường đại học có quy định các giáo án điện tử dùng để giảng dạy phải theo chuẩn slide của khoa. Một số giảng viên hay diễn giả cũng tự mình thiết kế những chuẩn slide rất ấn tượng mang dấu ấn cá nhân của mình…
Và nếu bạn có điều kiện đi thuyết giảng nhiều, hoặc muốn tạo phong cách cho công ty mình, hay đơn giản là bạn muốn tạo một hình tượng lên các slide của mình – thì tốt nhất, bạn nên tự mình thiết kế ra một chuẩn slide để dùng cho các trường hợp về sau.
Muốn vậy, bạn hãy làm như sau, bạn mở một Power Point mới rồi vào View > Master > Slide Master. Ngay lập tức, cửa sổ thiết kế hình nền slide sẽ hiện ra. Bước đầu tiên là bạn thực hiện việc điền các thông tin liên quan đến cá nhân, công ty, tên slide,…
Theo đó, ở phần không gian trên cùng, bạn hãy dành cho các chi tiết về cơ quan, công ty của bạn. Muốn thế, bạn nhấn chuột lên slide đầu tiên, rồi bấm Ctrl + A và nhấn Delete để xóa hết các khung cho sẵn đi rồi bắt đầu thiết kế các khung khác theo nhu cầu của mình.
Bạn vào Insert > Text Box rồi vẽ một khung trong slide rồi kéo thả các nút trắng tròn để tạo khung đúng kích thước bạn muốn. Sau đó, trong khung này, bạn hãy điền tên cơ quan, công ty, khoa vào. Ở phía bên trái hoặc ngay phía trên tên công ty, bạn nên đưa logo để nó có vẻ “chính thống” hơn.
Để tạo viền cho các khung, bạn nhấn chuột kép lên đường “ren” bao quanh chữ, trong cửa sổ hiện ra, thẻ Colors and Lines, mục Line, các dòng Style, Weight, Color, Dashed – bạn chọn các thông số dạng kẻ khung, màu và kích thước đường kẻ. Còn mục Fill, dòng Color bạn chọn màu nền cho khung chữ.
Tiếp theo, bạn cần thêm các thông tin về cá nhân của mình, bằng cách vào Insert > Text Box rồi kẻ một khung ở góc dưới phía bên phải, sau đó điền tên, địa chỉ, email của mình vào trong đó. Bạn cũng làm tương tự để tạo đường viền cho phần thông tin của riêng mình.
Tiếp theo, bạn cần bổ sung thêm các hoạt tiết để cho slide chuẩn của bạn trông đẹp và hấp dẫn hơn. Muốn thế, ở góc bên trái phía dưới, bạn nhấn chuột lên nút Line rồi kẻ một đường theo hướng bạn muốn.
Nhấn chuột phải lên đường này, chọn Edit Points rồi bấm chuột phải lên khoảng giữa của đường ấy và chọn Add Point. Bấm chọn phải tiếp tục rồi chọn Curved Segment. Sau đó bạn lại nhấn chuột phải lên đường kẻ ấy và chọn các thông số giá trị màu sắc, kiểu , kích thước cho đường kẻ.
Còn trong mục Fill, dòng Color thì bạn có thể tùy chọn đổ bóng xuyên qua đường kẻ (Bạn xem lại bài “Tự làm tờ rơi tại nhà ” đăng trên Tiền Phong cuối tháng những số trước đây để tìm hiểu kỹ hơn về cách tạo các hiệu ứng đặc sắc cho các dạng đường kẻ này). Bạn hãy ngồi tỉ mỉ thiết kế để cho ra một khung bố sục slide đẹp nhất mà mình thích.
Sau khi đã thiết kế xong các bố cục chuẩn cho slide, bạn hãy lưu lại để sau này có thể dùng tiếp. Bây giờ, mỗi khi có việc phải thiết kế slide, bạn hãy copy một bản của file chuẩn này, rồi vào View > Master > Slide Master, sau đó nhấn nút Close Master View rồi thiết kế nội dung của slide như bình thường. Bạn sẽ thấy các file Power Point của mình “không đụng hàng” và có vẻ “pro” hơn rất nhiều so với slide của những người khác.
Phần II: Kĩ thuật lồng các hiệu ứng trình bày ấn tượng và trình bài slide “đa cấp”
Nguyễn Tử Vương-Tienphon.vn
Với thầy Soa, “Hạnh phúc lớn nhất là nhìn thấy học trò ngày càng vượt mình” (Ảnh: Thân Văn Hoàng) |
“Học trò không say mê, không chú tâm, người thầy sẽ không có cảm hứng để sáng tạo trong bài giảng. Nếu khơi đúng mạch tư duy của học sinh, người thầy sẽ giúp các em được tiếp cận, khám phá những vấn đề mới. Cái gì tự học sinh nói ra, các em sẽ dễ tiếp thu và khắc sâu hơn lời thầy giảng”, thầy Soa suy ngẫm.
Cuốn hút và hấp dẫn sinh viên bằng trí tuệ uyên bác và bằng cả tấm lòng tận tụy, yêu nghề, yêu học trò hết mực, Giáo sư Đặng Văn Soa luôn tự "làm mới" mình trong mắt học trò với phương châm “Chỉ có tri thức là không bao giờ chịu già" và bí quyết “Để trẻ mãi, mỗi ngày nên học một điều mới”.
Chính nhờ quan điểm đó mà mỗi giờ giảng của thầy luôn có những tiếng cười, những cánh tay tranh nhau phát biểu, những cuộc thảo luận thú vị. Một sự cộng hưởng đầy hứng thú giữa thầy và trò.
Đối với người thầy 47 tuổi Đặng Văn Soa, niềm vui lớn nhất trong quá trình nghiên cứu và giảng dạy không phải chỉ là những công trình khoa học được công nhận, được đăng trên các tạp chí quốc tế mà trước hết là sự trưởng thành của các thế hệ học trò mà mình đã ra công dìu dắt.
Bởi theo thầy, những giảng viên trong môi trường sư phạm không chỉ là những nhà giáo bình thường mà còn là cầu nối, tiếp tục đào tạo ra nhiều nhà giáo cho nền giáo dục nước nhà. Nếu những thế hệ học trò của họ trưởng thành thì đồng nghĩa với việc nền giáo dục nước nhà sẽ có thêm cơ sở, nền tảng để phát triển. Vì thế với thầy Soa, “Hạnh phúc lớn nhất là nhìn thấy học trò ngày càng vượt mình”.
GS Đặng Văn Soa: "Mỗi nhà giáo phải là một kiến trúc sư giỏi để kiến tạo nên những mối quan hệ tốt trong đời sống, đặc biệt là mối quan hệ với học trò..."
PV: Thưa thầy, tại sao bất cứ một cụ già nào cũng nhắc đến người thầy của mình với một sự tôn kính đặc biệt, đôi khi là thần thánh hóa. Nhưng điều đó dường như lại đang mất dần trong tâm thức của những đứa học trò thời nay?
GS Đặng Văn Soa: Theo tôi thì thời xưa quan hệ thầy trò khác, thế hệ bọn tôi cũng khác và bây giờ, trong điều kiện xã hội thay đổi thì mối quan hệ ấy có khác đi, tuy nhiên vẫn có sợi chỉ đỏ xuyên suốt.
Đạo đức nhà giáo, quan hệ thầy trò đi suốt chiều dài lịch sử theo tôi không mất đi mà đã có sự chuyển đổi. Đó là mối quan hệ gần gũi, nó không phải tình cảm cha con mà là mối quan hệ tiếp nối về tri thức. Sự phát triển của các ngành khoa học, của nhân loại đều phải dựa trên mối quan hệ ấy.
Những người thầy thời xưa được cả xã hội kính trọng bởi họ hội đủ tài năng và đạo đức. Không chỉ là những người truyền đạo học cho học trò, những người thầy còn dạy cho học sinh của mình đạo đức, đạo sống, đạo làm người. Bản thân những người thầy chính là những tấm gương sáng, là “mô phạm” để học sinh noi theo.
Người thầy ngày xưa luôn ý thức được vai trò “người dẫn đường” của mình và họ luôn tuân thủ những quy tắc đạo đức để có thể hoàn thành tốt vai trò của một nhà giáo dục.
Chính vì thế, một giai đoạn dài của lịch sử dân tộc, những người thầy được tôn sùng như những vị thánh, họ có uy tín, có tiếng nói, có ảnh hưởng trong xã hội và người thầy là một hình ảnh đẹp trong tâm thức của người Việt Nam.
Còn ngày nay do sự phát triển của xã hội, nên cái nhìn tôn thờ của học trò xưa đã chuyển sang tôn trọng của học trò ngày nay. Mối quan hệ thầy trò ngày nay là mối quan hệ tương tác nhiều chiều, cùng đưa ra vấn đề, cùng bàn luận và cùng kết luận. Vì thế có thể khẳng định tinh thần “tôn sư trọng đạo” trong tâm thức người Việt luôn chiếm vị trí rất quan trọng.
Tôi đã đi công tác nước ngoài rất nhiều và tôi thấy đây là nét nổi bật trong đạo lý thầy trò của người Việt.
Nói như vậy thì thầy nghĩ như thế nào về vấn đề, dù không phải là phổ biến nhưng đã xuất hiện đó là: thầy cô có hành động bạo lực với học trò, còn học trò hỗn láo với thầy cô?
Theo tôi thì chúng ta cần phải nhìn thẳng, nói thật về vấn đề này. Ở đây có ba khía cạnh cần đề cập đến.
Thứ nhất, trước khi nói về giáo dục trong trường học thì cần nói đến vấn đề giáo dục trong gia đình. Tôi suy nghĩ rất đơn giản, muốn giáo dục trẻ tốt thì phải bắt đầu từ môi trường giáo dục trong gia đình.
Ngày nay có nhiều phụ huynh mang con đến trường học rồi coi như tạm thời hết trách nhiệm. Khi về đến nhà họ lại sử dụng những ngôn ngữ mà có thể gọi là “ngôn ngữ chợ búa” trước mặt trẻ, khiến các em bị ảnh hưởng.
Theo tôi thì người cha, người mẹ dù làm ăn nơi đâu, làm ăn như thế nào, nhưng khi về đến nhà vẫn cần giữ được nếp văn hóa hay còn gọi là nếp nhà. Nếp nhà có tốt thì nhân cách trẻ mới có thể hình thành tốt được.
Thứ hai là vấn đề từ phía nhà trường. Phải lưu ý môi trường giáo dục ở nhà trường lớn hơn so với môi trường giáo dục trong gia đình, bởi ở đây mỗi học sinh lại là một thế giới riêng. Vì thế đòi hỏi mỗi thầy cô, những người đứng ra tổ chức lớp học phải là những người thực sự có lòng yêu nghề, yêu học trò, phải là những tấm gương mẫu mực để học trò noi theo.
Năm 2001, đi công tác ở Thụy Sĩ và tôi đã được “mục sở thị” môi trường học tập của học sinh tại môt ngôi trường cấp II nơi đây. Thực sự tôi thấy rất ấn tượng!
Các em chỉ phải học văn hóa buổi sáng 3 tiếng. Buổi chiều các em được tự tổ chức các hoạt động tập thể như đi picnic, đi siêu thị có sự tham gia, chỉ dẫn của thầy cô. Cách làm ấy đã giúp trẻ được phát triển những kỹ năng sống, được trực tiếp tương tác với môi trường xã hội, rèn luyện tinh thần tập thể và giúp mối quan hệ giữa thầy và trò trở nên thân thiện hơn. Theo tôi các nhà quản lý giáo dục cần nhìn nhận và học hỏi cách làm rất hay này của nước bạn.
Cuối cùng, điều tôi muốn nhấn mạnh đó là sự “thương mại hóa” giáo dục. Một phần trách nhiệm của hiện trạng trên thuộc về quan niệm thương mại giáo dục. Đúng ra trong một lớp học, các em đều phải đóng học phí và đều được đối xử như nhau. Trừ những trường hợp các em có học lực yếu hơn thì các thầy cần để ý hơn.
Thế nhưng hiện tại chúng ta thấy, phụ huynh em nào “quan tâm” thầy cô hơn thì thầy cô sẽ “quan tâm” học sinh đó hơn. Những việc làm như vậy vô tình đã làm cho các em học sinh có cái nhìn khác về thầy cô và một phần cũng làm cho quan hệ thầy trò bị “thương mại hóa”.
Quan hệ thầy trò bị thương mại hóa còn biểu hiện từ việc mở lớp học thêm ồ ạt của các thầy cô giáo. Thậm chí, khi học sinh chưa muốn học mà các thầy đã mở lớp học thêm và bắt các em học.
Mặc dù biết là cuộc sống của các thầy cô giáo còn khó khăn, nhưng sự thái quá ấy sẽ làm cho suy nghĩ của phụ huynh học sinh có sự khác thường, rồi làm cho cái nhìn của học sinh đối với thầy cô của mình cũng có sự lệch lạc đi.
Vậy thì muốn giảm bớt hiện trạng này thì nhiệm vụ phải bắt đầu từ người thầy của những người thầy, nghĩa là từ môi trường giáo dục sư phạm trong hệ thống đại học và trên đại học?
Thực ra thì chúng tôi cũng chỉ là những cầu nối. Bởi vậy mà theo tôi thì dù người thầy của những người thầy, hay người thầy của những học sinh đều phải là những người toàn diện về ba khía cạnh: tri thức, đạo đức và nghiệp vụ sư phạm. Nếu thiếu ba tiêu chuẩn này thì một người thầy khó trở thành một người thầy tốt.
Một người thầy phải có năng lực trí tuệ để truyền thụ kiến thức, đặc biệt là thông tin cập nhật về khoa học để các học trò tiếp nhận. Bản chất của vấn đề dạy học là truyền đạt kỹ năng tư duy. Thầy giỏi phải có khả năng truyền kỹ năng tư duy tốt.
Ngoài niềm say mê phải giúp các em có thể tiếp cận, khám phá những cái mới. Gợi mở vấn đề để các em đi tiếp. Như vậy mỗi người thầy phải lao động cật lực một cách nghiêm túc để đáp ứng nhu cầu tìm tòi, khám phá của học trò.
Bên cạnh ấy thì người thầy giỏi còn cần phải có đạo đức tốt. Đạo đức ở đây thực chất là kỹ năng xử lý các mối quan hệ, và nói gọn lại là kỹ năng sống. Là một người thầy, ngoài nỗ lực chuyên môn còn cần chú ý đến ứng xử trong các mối quan hệ.
Quan hệ gia đình, bạn bè, thầy trò mình đều cần có những chuẩn mực riêng. Bởi vậy mới nói mỗi nhà giáo phải là một kiến trúc sư giỏi để kiến tạo nên những mối quan hệ tốt trong đời sống, đặc biệt là mối quan hệ với học trò.
Theo Tuần Việt
GS Hoàng Tuỵ, một nhà khoa học nổi tiếng về sự chính trực. |
Ở tuổi bát tuần, sức khoẻ của GS Hoàng Tụy không còn dồi dào nhưng trí tuệ của ông vẫn sáng láng và trái tim ông vẫn ngùn ngụt cháy như thời trai trẻ, đặc biệt là thái độ của một trí thức yêu nước với các vấn đề về quốc kế dân sinh và giáo dục. Dưới đây là cuộc trò chuyện của GS Hoàng Tuỵ - nhà toán học số một của Việt Lương không đủ sống làm nảy sinh các căn bệnh của giáo dục Thưa GS, trong bức thư gửi thầy cô giáo nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam vừa qua, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã rất lo lắng trước sự giả dối tồn tại trong ngành và toàn xã hội. Là nhà khoa học nổi tiếng bởi sự chính trực, ông nghĩ gì về nhận xét này? Sự giả dối hiện nay đang có nguy cơ trở thành nỗi nhục trong khi truyền thống dân tộc Việt Nam không phải là dân tộc giả dối. Ngành giáo dục càng không thể là ngành giả dối. Thế nhưng đã có hơn một nhà khoa học nước ngoài nói thẳng với tôi rằng, điều thất vọng lớn nhất mà ông ta cảm thấy là sự giả dối đang bao trùm lên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội ở các tầng nấc. Còn trong lĩnh vực giáo dục, một môi trường cần sự trong sáng? Sinh ra trong một gia đình có đến 4 người là các giáo sư nổi tiếng (Hoàng Phê, Hoàng Chúng, Hoàng Quý), GS Hoàng Tụy là cháu gọi Tổng đốc Hà Nội, người anh hùng Hoàng Diệu là bác ruột. 27 tuổi, ông làm Trưởng ban Tu thư (biên soạn chương trình và sách giáo khoa). Ông là cha đẻ của thuyết Tối ưu toàn cục lừng danh trong toán học, đồng thời là tác giả của hơn 150 công trình công bố trên quốc tế... Ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I, năm 1996.
Tôi không nói ở đây sự giả dối nhiều hơn ở lĩnh vực khác nhưng cũng không nói là ít hơn. Bản chất của giáo dục là trung thực và sáng tạo. Nhưng sáng tạo thế nào khi mà mọi thứ đều phải theo một lề lối, khuôn phép đã quy định sẵn, gần như bất di bất dịch từ mấy chục năm - giữa một thế giới thường xuyên biến động.
Rồi trung thực thế nào được khi mà người ta hàng ngày phải sống trong một môi trường giả dối mà minh chứng rõ nhất là tiền lương công chức. Chẳng ai sống nổi bằng lương nhưng rồi ai cũng sống đàng hoàng, dư giả.
Ngay khi mới nhận cương vị đứng đầu ngành Giáo dục, ông Nhân đã đặt ra hai vấn đề mấu chốt này và điều đó khiến chúng tôi rất mừng. Rồi đến hôm nay, ông lại phải nhắc lại điều đó một cách buồn bã.
Thưa ông, có lẽ cũng cần một sự cảm thông bởi dù là Phó Thủ tướng nhưng Bộ trưởng Nhân nhiều khi cũng "lực bất tòng tâm", bí bách như người "múa gậy trong bị" bởi chỉ một việc tăng lương cho giáo viên, Bộ trưởng Nhân đã nhiều lần đề xuất nhưng đến nay vẫn chưa được chấp thuận?
Muốn chống tiêu cực, muốn người ta trung thực làm việc hết lòng thì điều mấu chốt là tiền lương phải đủ để người ta sống. Sinh thời, có lần Tổng bí thư Lê Duẩn hỏi về việc chống tiêu cực, tôi cũng đã trả lời thẳng thắn như vậy. Trong môi trường giáo dục, khi tiền lương không đủ sống thì người ta sẽ tìm cách xoay xở để bù đắp lại. Còn xoay xở như thế nào đó chính là nguyên nhân các căn bệnh chủ yếu của giáo dục hiện nay.
Lấy việc lọt vào top 200 làm mục tiêu là một sai lệch
Cách đây ít ngày, GS Simon Marginson (ĐH Melbourne - Australia) có nói mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam sẽ có trường đại học lọt vào top 200 trong số các trường đại học nổi tiếng thế giới là rất khó và khi đặt ra mà không đạt được thì sẽ là "thất bại" cho mục tiêu kế tiếp. Là người có hơn 30 năm "lang thang" khắp các trường đại học nổi tiếng thế giới, ông có đồng tình với nhận xét này?
Ở đây có 2 phần. Thứ nhất, tôi không đồng tình với GS Simon về phần đánh giá cao các bảng xếp hạng đại học đã được công bố mấy năm nay bởi nó không phù hợp với những gì tôi đã tận mắt chứng kiến và sự đánh giá chung của nhiều giới khoa học tôi được quen biết. Cách xếp hạng hiện nay thường thiên về các trường nằm trong khối Anh - Mỹ mà xem nhẹ các nước khác như Pháp, Đức và đặc biệt là Nga. Mặt khác, có một số đại học được xếp hạng rất cao mà theo cảm nhận của nhiều người hiểu biết thì không thể như vậy được.
Còn vế thứ hai?
Vế thứ hai, tôi đồng tình với ý kiến đó là một mục tiêu không thực tế, không thiết thực vừa có thể làm sai lệch hướng phấn đấu hội nhập của chúng ta. Không nên cân đo, đong đếm mình bằng một cái cân, một cái thước... không có độ tin cậy cao. Thật ngạc nhiên khi có vị lãnh đạo ngành còn đòi hỏi phải cố gắng đạt mục tiêu đó trước năm 2020.
Chiến lược giáo dục 2008-2020 chỉ là một bản kế hoạch dài hạn
Khi trả lời phỏng vấn chúng tôi, Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã đặt vấn đề cần có một cuộc cách mạng giáo dục triệt để. Theo ông, điều này đã thật sự cần thiết?
Ngay từ năm 2004, chúng tôi gồm 24 nhà khoa học và giáo dục trong đó có 5 giáo sư Việt kiều đã có bản kiến nghị chính thức gửi lên Trung ương, đề nghị cần phải "xây dựng lại giáo dục từ gốc", tức là phải thực hiện về một cuộc cách mạng giáo dục triệt để. Bản kiến nghị này đã được sự ủng hộ khá rộng rãi của xã hội, các nhà khoa học và các nhà quản lý.
Trước đó, ngay từ 1995, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã triệu tập một cuộc họp quan trọng 3 ngày về giáo dục. Nhiều ý kiến xác đáng đã được phát triển trong cuộc họp đó, về sau được nghi lại trong Nghị quyết T.W.II (khoá 8) về giáo dục và khoa học. Tiếc rằng Nghị quyết rất đúng đắn nhưng triển khai thực hiện bất cập nên sau gần 10 năm, Thủ tướng Phan Văn Khải đã phải cay đắng thừa nhận chúng ta không thành công trong khoa học và giáo dục.
Theo ông, không thành công hay thất bại?
Đó là sự thất bại, thất bại lớn.
Ông có quá mạnh mẽ và vì bức xúc mà thiếu khách quan?
Không phải tôi nói mà thực tế cuộc sống đòi hỏi. Chúng ta đã tốn không biết bao nhiêu thời gian, sức lực và tiền của. Ngay cả những người ở ngoài, ví như ông Lý Quang Diệu chẳng hạn, không phải vô cớ mà khi thăm Việt Nam, ông đã thẳng thắn khuyên chúng ta rằng: Thắng trong giáo dục mới thắng trong kinh tế!
Liệu chúng ta đã cần ngay một cuộc cách mạng triệt để?
Rất cần. Trong khung cảnh chương trình và sách giáo khoa hiện nay, nếu cải tiến thì cũng chỉ tạo sự thay đổi lẻ tẻ và không cơ bản. Trong khi đó, thời gian không còn cho phép chần chừ. Chúng ta đã chờ đợi điều đó xảy ra hàng chục năm nay rồi.
Nhưng được biết vừa qua, Bộ GD-ĐT đã xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục 2008-2020?
Chúng tôi đã nghiên cứu bản dự thảo này và nhận thấy bản Dự thảo chưa thể hiện tư duy giáo dục cần thiết. Nó không phải là bản "Chiến lược" mà chỉ là một bản kế hoạch dài hạn được soạn thảo theo lối làm kế hoạch hoá tập trung bao cấp, mọi cái đều áp đặt từ trên xuống trong khi đáng lý ra, chúng ta phải làm ngược lại.
Thi tốt nghiệp là lạc hậu và kém nhân bản
Trong khi chờ đợi kế hoạch cải cách giáo dục thì theo ông có những vấn đề cấp bách gì cần giải quyết?
Khâu đột phá là giáo dục trung học phổ thông và thi cử. Cần thay đổi tổ chức và chương trình, cách dạy ở THPT, để mở ra hai hướng chính cho học sinh đã xong THCS: một hướng đào tạo nghề và một hướng chuẩn bị tổng quát.
Có nghĩa phải cải cách thi THPT?
Thi tốt nghiệp các cấp là việc làm lạc hậu nhất, kém hiệu quả nhất một tàn tích còn sót của lối học cũ. Nó hoàn thiện một chu trình: "Học để thi - Thi để lấy bằng - Lấy bằng để làm quan". Trong khi đó đáng lý học phần nào thi ngay phần đó, thi để học cho tốt, chứ không phải thi vì mảnh bằng.
Nhưng bỏ thi thì lấy gì để kiểm tra kiến thức của người học?
Tôi không nói bỏ thi mà là bỏ kỳ thi tốt nghiệp. Hiện nay, các nước có nền giáo dục tiên tiến không có kiểu thi tốt nghiệp như ta. Giống như việc sản xuất một cỗ máy, họ kiểm tra thật kỹ chất lượng từng chi tiết và khi hoàn thiện, chỉ kiểm tra việc lắp ráp. Trong khi đó ở ta thì gần như bỏ qua khâu kiểm tra chi tiết mà chờ lắp hoàn thiện một cái máy rồi mới kiểm tra tổng thể. Cách làm này đã bộc lộ rất rõ những hạn chế mà nền giáo dục của chúng ta đang phải gánh chịu. Một số nước việc thi cử còn nhẹ hơn ta nhiều như Hàn Quốc, Trung Quốc mà người ta còn gọi là "địa ngục thi cử", không biết ở ta nên gọi như thế nào?
Kinh doanh giáo dục là sự phá hoại ghê gớm
Ông là người phản đối thương mại hoá giáo dục một cách quyết liệt. Tại sao vậy?
Tôi không phản đối thương mại giáo dục mà chỉ phản đối cách thương mại hoá như hiện nay. Trường tư vì lợi nhuận phải được đối xử như các doanh nghiệp tư nhân trong các ngành khác. Nó phải hoạt động như mọi doanh nghiệp khác theo Luật Doanh nghiệp. Còn đối với trường tư phi lợi nhuận thì Nhà nước có thể và nên hỗ trợ về vốn, đất, và không thu thuế.
Nhưng có thông tin rằng hầu hết các trường nổi tiếng trên thế giới đều hoạt động theo mục đích kinh doanh?
Đó là thông tin sai sự thật do thiếu thông tin hoặc vụ lợi. Theo tôi được biết, tất cả các trường tư nổi tiếng thế giới đều hoạt động phi lợi nhuận. Làm giáo dục chạy theo mục đích kiếm tiền sẽ phá hoại ghê gớm nền giáo dục.
Xin cám ơn Giáo sư!
Bùi Hoàng Tám-dantri.com.vn
(Thực hiện)
Tại sao Phamen lại lấy cái tiêu đề ngược đời này? Ồ, Phamen đang học đòi sính ngoại, viết tiếng Việt theo kiểu tiếng Anh: tính từ trước, danh từ sau ấy mà.
Đã có không biết bao nhiêu bài viết, bao nhiêu bài trả lời của chuyên gia nọ, học giả kia lên án về vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông là những người hô to nhất. Nào là phải làm thế này… Nào là phải làm thế kia.
Nhưng hãy lật ngược lại vấn đề, chính bản thân họ, họ đã làm thế nào? Chúng ta hãy cùng nhau dạo một vòng ghé thăm “địa chỉ” của các “Bộ” này để xem hiện thực thế nào nhé.
Hãy tự hứa với mình là không được truy cập vào các đường link ở dưới và đoán xem chúng là “Bộ”gì nhé:
http://www.moet.gov.vn, www.cinet.gov.vn, http://mic.gov.vn, http://www.moi.gov.vn, http://www.moste.gov.vn, http://www.mpi.gov.vn, http://www.agroviet.gov.vn, http://www.mofa.gov.vn, http://www.mof.gov.vn, http://www.nea.gov.vn, http://www.mot.gov.vn, http://www.fistenet.gov.vn, http://www.moh.gov.vn
Trong số gần 20 tên miền trên, thử hỏi bạn biết được mấy tên miền là của Bộ nào? Moet, Cinet, Mic, Moi, Moste, Mpi, Mot, Mofi là gì?
Chúng ta sẽ trả lời các câu hỏi này ở phần sau. Còn bây giờ, hãy cùng Phamen tưởng tượng vài điều thú vị đã nhé.
1. Nếu một bác nông dân quanh năm chân lấm tay bùn, tiếng Anh một chữ bẻ đôi không biết, nay mới sắm được một cái máy tính nối mạng ở nhà, con cái lại đi học hết. Và vào lúc rảnh rỗi, bác tranh thủ bật máy để vào xem một số thông tin và kiến thức về nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thì bác sẽ vào đâu?
2. Một em học sinh ở một trường miền núi mới được Nhà nước trang bị cho một số máy tính có kết nối internet để phổ cập tin học, em mừng rỡ ngồi vào máy và muốn truy cập vào trang web của Bộ Giáo dục và Đào tạo để cảm ơn Ngài Bộ trưởng thì em sẽ chọn tên miền nào bên trên để vào?
3. Một gia đình chăn nuôi thủy sản ở Miền Tây nam bộ muốn vào trang web của Bộ Thủy sản để xem tin tức về tính hình áp thuế chống bán phá giá của Mỹ áp lên hàng hóa thủy sản của Việt nam thì bác chọn cái nào?
Các câu hỏi này quả là khó trả lời. Đừng nói đến những nhân vật mà Phamen đã tưởng tượng ra ở trên, ngay cả các chuyên gia về tin học hoặc những giáo sư về ngôn ngữ cũng không thể nào đoán ra được 1/3 số tên miền trên là của Bộ nào. Có lẽ nó còn khó khơn cả ngôn ngữ chat chit của tuổi teen hiện nay. Phamen giám chắc chắn về điều đó.
Khó quá, thôi, chúng ta phải “giải mã” các cụm từ trên thôi.
MOET là gì?
Ồ, đó là viết tắt của cụm từ tiếng Anh: Ministry of Education and Training.
MIC là gì?
Mic là Micro à? Ồ không, đó là viết tắt của cụm từ tiếng Anh: Ministry of Information and Communications
FISTENET là gì?
À, đó là viết tắt của cụm từ: Fisheries scientific –technological economic information.
CINET là gì?
Tạp chí công nghệ CNET à? Không phải rồi, vậy có lẽ là: Ministry of Culture, Sports and Tourism of Vietnam
MOH là gì?
Mô Phật, đó là: Ministry of Health
V.v..
Ôi quả là một ma trận. May mà Phamen còn biết dùng Google, Yahoo, MSN để tìm kiếm, nếu không, Phamen đành chịu chết.
Băn khoăn không biết tại sao các Bộ này lại toàn dùng các tên viết tắt bằng tiếng Anh mà không phải bằng tiếng Việt, Phamen lại tự mình đưa ra các giả thiết sau:
Họ muốn cho Người nước ngoài đọc?
Lạ thật, chẳng lẽ người nước ngoài lại đọc nhiều hơn và quan trọng hơn người Việt nam chúng ta?
Đừng nói đến người Việt nam, đến cả những người nói tiếng Anh bản sứ khi nhìn vào các cụm từ viết tắt vô nghĩa trên cũng đành bó tay.
Họ muốn ngắn gọn?
Đúng, rất ngắn gọn. Nhưng thử hỏi xem có ai hiểu các từ “ngắn gọn” này là gì không?
Họ muốn tối ưu hóa cho các bộ máy tìm kiếm?
Sai lầm lớn, với những từ viết tắt vô nghĩa như trên thì chẳng có tác dụng gì cho các bộ máy tìm kiếm cả. Thậm chí chúng còn đưa ra các kết quả nhầm với những tên miền này.
Vậy, sự trong sáng của tiếng Việt nằm ở chỗ nào trong các cụm từ vô nghĩa như: Moet, Mic, Fistenet, Moh, Mot, Mofa, v.v..?
Tại sao không phải là Bothuysan.gov.vn thay vì Fistenet.gov.vn?
Tại sao không phải là Boyte.gov.vn thay cho Moh.gov.vn?
Tại sao không phải là Bokhdt.gov.vn mà lại là Mpi.gov.vn?
Tại sao không phải là Botaichinh.gov.vn mà lại phải là Mof.gov.vn?
Họ sính ngoại?
Suy đi tính lại, có vẻ như đây là câu trả lời hợp lý nhất. Có vẻ như họ cảm thấy chọn tên miền bằng tiếng Anh sẽ oai hơn và “hội nhập” hơn là các tên miền tiếng Việt. Có lẽ các Bộ này muốn hướng ra thế giới và muốn bỏ quên những miền quê hẻo nghèo hẻo lánh của đất nước. Có lẽ họ muốn nói chuyện với người nước ngoài chứ không nói chuyện với người Việt nam.
Có còn “Sự trong sáng của tiếng Việt?
Trước khi các vị hô nào phải làm thế này, phải làm thế kia thì trước hết các vị hãy nhìn lại chính mình đi đã. Các vị là một tấm gương nhưng chính các vị lại làm mất “sự trong sáng của tiếng Việt” một cách nghiêm trọng.
Kính thưa các vị, chúng tôi là người Việt Nam. Chúng tôi muốn đọc và viết tiếng Việt. Vì vậy hãy làm ơn viết tiếng Việt cho chúng tôi đọc.
Bài viết của : http://www.phamen.com/
" Là bộ sưu tầm bao gồm các từ điển Stardict - Prodict - LạcViệt (và các từ điển Việt - Trung - Nhật - Hàn - Nga - Đức - Pháp - TBN - BĐN - Nauy - Séc ) dùng cho Babylon Pro 7 "
Babylon 7 là phần mềm từ điển và dịch thuật hàng đầu thế giới. Babylon cung cấp cho bạn công cụ trực quan nhất cho mọi nhu cầu dịch thuật của mình. Với Babylon bạn có thể nhanh chóng dịch các email, trang web, tài liệu, tin nhắn tức thời, cùng nhiều nội dung khác. Mọi thứ bạn cần làm là nhấn chuột lên từ hay văn bản muốn dịch và một cửa sổ nhỏ sẽ hiện ra tức thời với các kết quả mong muốn từ cơ sở dữ liệu từ điển, chú giải và công cụ chuyển đổi ngôn ngữ phong phú của Babylon.
Babylon cung cấp cho người dùng hàng loạt các đề mục từ các nhà xuất bản hàng đầu thế giới bao gồm Oxford University Press, Britannica, Merriam-Webster, Larousse, Vox, Langenscheidt, Pons, và Taishukan. Phiên bản Babylon 6 cung cấp tính năng dịch thuật văn bản giữa 17 ngôn ngữ ngoài các tính năng dịch thuật từng từ và cụm từ - tất cả chỉ trong một cú nhấn chuột, các kết quả từ bách khoa toàn thư Wiikipedia với 9 ngôn ngữ, tính năng kiểm tra chính tả tự động, cùng các kết quả chính xác chỉ trong một cú nhấn chuột từ rất nhiều các nguồn tin cậy đa dạng.
Babylon 7 - phần mềm từ điển và dịch thuật trực quan và dễ dùng hỗ trợ hơn 75 ngôn ngữ. Với Babylon 7, công việc dịch thuật văn bản trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, không còn phải "sao chép/dán" hay các cửa sổ trình duyệt không cần thiết. Chỉ việc nhấn chuột lên bất kì văn bản nào trong Word, Excel, email, tin nhắn tức thời, trang web hay bất kì ứng dụng desktop nào khác. Mọi thứ bạn cần chỉ là một cú nhấn chuột.
Download - Babylon Pro 7 (With.5.Premier.Dictionaries)(S1251)
Mirror Babylon Pro 7
Download - Prodict - Từ điển chuyên ngành khoa học kỹ thuật (A-V , V-A) 61.59 MB
Download - Stardict (A-V , V-A) 18.78 MB
Download - LạcViệt (A-V , V-A) 38.15 MB
(Việt - Trung - Nhật - Hàn - Nga - Đức - Pháp - TBN - BĐN - Nauy - Séc) 59.44 MB
Chú Ý : Pass giải nén của 4 bộ từ điển trên là : softvnn.com
Theo: softvnn.com
Địa chỉ: Thị trấn Đại Từ - Đại Từ - Thái Nguyên
Điện thoại: 0984.280.076
Email: tobuvn@gmail.com
Facebook: http://facebook.com/tobuvn