Đây là thời điểm thí sinh từ khắp nơi trong cả nước dồn về thành phố lớn để luyện thi. Đúng như tên gọi “cấp tốc”, không khí các lớp học này cũng gấp gáp với cách dạy khá hời hợt.
|
Đây là thời điểm các trung tâm luyện thi tung ra nhiều lời quảng cáo hấp dẫn nhằm chiêu dụ học viên - Ảnh: Đ.N.T . |
Ba tuần dạy hết kiến thức lớp 11-12! Các lớp luyện thi cấp tốc (LTCT) có lịch ôn tập 6 ngày/tuần, 5 giờ/ngày và kéo dài trong 3 tuần liên tiếp. Vì là cấp tốc nên mọi thứ đều dồn dập.
Trong căn phòng rộng chừng 50m2 của Trung tâm Luyện thi trường ĐH Sư phạm TP.HCM, khoảng 100 thí sinh ngồi chen chúc nhau luyện thi môn toán. Trên những bộ bàn ghế được thiết kế dành cho 2 người, thì giờ đây 3 người phải chia nhau.
Trên bảng, thầy giáo cứ say sưa giảng rồi ghi lên bảng các công thức toán, giải các bài tập mẫu, còn ở dưới học trò cặm cụi nhìn ghi theo. Đến khoảng gần 11 giờ trưa, nhiều học sinh gục đầu xuống mặt bàn vì mệt mỏi.
Chiều qua 14 - 6, tại trường ĐH Sư phạm TP.HCM, T (quê Đắk Lắk) đang chờ học bù môn hóa, cho biết: “Vì cấp tốc nên thầy dạy rất nhanh. Mỗi buổi học tụi em chép tới 4-5 trang giấy mỏi hết cả tay. Như buổi học sáng nay, chỉ trong 2 giờ đồng hồ, thầy đã hệ thống lại 3 nội dung kiến thức và giải 7 bài tập. Ở trong trường, nội dung này phải được học trong vòng 6 tiết và ít nhất 2 buổi để luyện bài tập. Do vậy, em thấy đi LTCT giống như cưỡi ngựa xem hoa”.
L.V (quê Long An) cũng ôn thi khối A tại trường ĐH Sư phạm TP.HCM nói thêm: “Một khóa cấp tốc chỉ trong 3 tuần, trong khi đó nội dung dạy rất nhiều: toàn bộ kiến thức lớp 12, lớp 11, giải bài tập trong đề thi các năm trước… Vì thời gian quá ngắn trong khi kiến thức quá nhiều nên buổi học chỉ lướt qua. Với học viên không nắm vững kiến thức, việc đi học ôn thế này không có hiệu quả gì”.
Theo Trần Thị Thu Hương - học viên của trung tâm trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, giáo viên sẽ không dạy lại từng nội dung mà chủ yếu cho giải đề, hệ thống nội dung căn bản ở phổ thông và mở rộng trả lời theo hướng thi ĐH.
“Đi luyện thi chỉ là hệ thống lại kiến thức đã học và tập dần cách giải đề thi ĐH. Nếu một người chưa học trước thì vào lớp khó lòng theo kịp”.
|
Các trung tâm luyện thi ĐH bắt đầu vào mùa - Ảnh: Đ.N.T . |
Quảng cáo... nhất Việt Nam
Để thu hút học viên, các trung tâm luyện thi sẵn sàng dùng tất cả những lời quảng cáo ấn tượng nhất. Trong khi không hề có đơn vị nào bảo chứng cho những lời khẳng định này.
Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa và luyện thi đại học (BDVH & LTĐH) Tô Hiến Thành (đường Tô Hiến Thành, quận 10, TPHCM) khẳng định trên các mạng rao vặt, tờ rơi… là nơi luyện thi ĐH hay nhất TP.HCM, dạy các kỹ thuật và bí quyết thi trắc nghiệm nhanh nhất Việt Nam, truyền các phương pháp làm bài thi tự luận độc đáo nhất Việt Nam… Chưa hết, trung tâm còn mượn danh Sở GD-ĐT TP.HCM để quảng cáo là nơi có tỷ lệ đậu cao nhất TP.HCM.
Cũng viện đến đánh giá của Sở GD-ĐT là Trung tâm BDVH & LTĐH Chu Văn An, trung tâm này khẳng định mình là một trong những trung tâm luyện thi uy tín, chất lượng và hiệu quả nhất tại TP.HCM hiện nay. Trong khi đó, theo tìm hiểu của Thanh Niên, Sở GD-ĐT chưa có một văn bản chính thức nào xếp hạng các trung tâm luyện thi.
Mới đây, Sở GD-ĐT TP.HCM đã kiểm tra và phát hiện trung tâm gia sư - luyện thi ĐH Nhân Tài (39/6 Nguyễn Cửu Đàm, Q.Tân Phú) và Trung tâm BDVH & LTĐH chất lượng cao Tân Phú (97 Nguyễn Cửu Đàm, Q.Tân Phú) hoạt động không phép.
Vắng lò luyện khối C
Trường ĐH Sài Gòn - một trong những nơi tuyển sinh khối C nhiều nhất tại TP.HCM, năm nay không mở lớp luyện thi khối này vì ít học viên. Qua 10 ngày đầu khai giảng LTCT, nơi có số học sinh luyện thi khối C đông nhất là Trung tâm BDVH & LTĐH trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nhưng cũng chỉ có 2 lớp với hơn 300 học viên.
Chị Đào Thị Thu, ở huyện Bình Chánh, TP.HCM có con dự thi ngành xã hội học trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cho biết: “Tôi đã tìm đến các trung tâm luyện thi ĐH ở Q.4, Q.7, Q.8 nhưng họ nói rằng vì ít thí sinh đăng ký nên không mở lớp. Cuối cùng tôi phải cho con luyện thi ngay tại trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. Mỗi ngày tôi phải mất gần 2 giờ đồng hồ đi xe máy từ huyện Bình Chánh để đưa đón con đi học tại Q.1”.
Tương tự, Trần Thị Ngọc My - HS trường THPT Trần Khai Nguyên (Q.5), tâm sự: “Năm nay em đăng ký dự thi hai khối A và C. Khối A và môn văn em học thêm tại nhà thầy ở gần nhà nhưng môn sử và địa phải tới tận trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (Q.Tân Bình) để luyện. Các trung tâm chỉ toàn luyện khối A, B, D vì nói không đủ học viên để mở lớp”.
Năng khiếu cũng luyện Lớp luyện thi các môn năng khiếu cũng diễn ra hết sức sôi động. Những kiến trúc sư, ca sĩ, nhạc sĩ, diễn viên… “tương lai” đều miệt mài tôi luyện mỗi ngày. Tại trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, khá đông học sinh tham gia các lớp ôn thi vẽ đầu tượng, chân dung và vẽ trang trí màu. Phạm Võ Anh Khoa - học sinh đến từ TP Biên Hòa (Đồng Nai) tâm sự: “Mỗi buổi sáng mình đều bắt xe buýt từ Biên Hòa lên trường để học. Mỗi lần đi mất khoảng 45 phút và mỗi buổi học kéo dài khoảng 3 tiếng”. Về việc ôn thi các môn năng khiếu, bà Hoàng Thị Nhung - chuyên viên khoa Quản lý văn hóa nghệ thuật trường ĐH Văn hóa TP.HCM chia sẻ: “Thí sinh chỉ hơi thích mà đăng ký thì khó lòng thi đậu cũng như học được, cần phải có năng khiếu và sự đam mê thực sự”. Còn thạc sĩ Nguyễn Nguyên Bình - Trưởng phòng Đào tạo trường CĐ Sư phạm T.Ư TP.HCM thì khẳng định: “Thật sự có những em học qua rồi vẫn không trúng tuyển và có những em không học ngày nào nhưng tự tin, tham khảo phần hướng dẫn ở website trường và tích lũy kinh nghiệm từ anh chị đi trước nên vẫn đạt kết quả cao. Do vậy, việc tham gia các lớp hướng dẫn ngắn ngày chỉ góp phần định hướng cách thi cho thí sinh”. |
Theo Hà Ánh - Tuyết Vân - Đăng Nguyên
Thanh niên
Bản thân tôi đang dạy ôn thi cấp tốc ở trường nên cũng hiểu. Tôi hoàn toàn không muốn dạy các lớp này, dạy các lớp này rất mất uy tín bởi vì lượng kiến thức rất lớn trong khi phải giảng dạy trong thời gian ngắn. Kết quả chỉ có mỗi giáo viên tự "khoe", "phô" ra kiến thức của mình sa sả từ đầu buổi đến cuối buổi, từ đầu đợt đến cuối đợt cho ... kịp chương trình. Chắc "sướng" nhất là các thầy thành phố vì thời gian này là dịp rất đông các em học sinh từ tỉnh lẻ cũng như học sinh "thích đi học thêm". Thầy dậy xong là năm sau lại đón lượt học sinh mới làm gì có trách nhiệm với ai.
ReplyDeleteTuy nhiên năm tới nếu tôi sẽ thay đổi cách dạy cho phù hợp. Đúng là chỉ có thời gian hệ thống hóa, khắc sâu, hướng dẫn làm bài tập chứ không bao giờ đủ thời gian mà dạy lại ... từ đầu.
Tôi mong các em học sinh nên tỉnh táo, có một lựa chọn sáng suốt, tự tin vào bản thân, vào kiến thức mình đã học, tích lũy trong năm học và giờ là thời gian để các em chuẩn bị về sức khỏe, tự ôn luyện cho đợt thi ĐH tới. Hoặc nếu có học thêm thì chọn thầy cô uy tín có phương pháp giảng dạy phù hợp với kiểu cấp tốc (thời gian ngắn) để học. Nếu không tôi khẳng định các em sẽ chỉ lãng phí thời gian, kiến thức sẽ càng hời hợt. Các em nên nhớ rằng khi em học các thầy cô nhắc lại kiến thức cũ và các em thấy "quen quen", "mình đã biết" rồi. Đây là phương pháp học mà thầy "học hộ" học sinh, tức là giáo viên cứ có nhiệm vụ repeat để cho học sinh nghe trong nhiều lần, rồi sẽ tự nhớ. Nhưng trình độ của các em lúc đó vẫn chỉ là mức biết, còn mức hiểu bài, vận dụng vào trong làm bài tập thì còn một khoảng cách vô cùng lớn.