Hình song thân của tác giả chụp năm 1938
Cũng như biết bao bà mẹ Việt Nam khác, mẹ tôi chỉ là một người phụ nữ nội trợ bình thường. Nhưng với tám anh chị em chúng tôi thì bà là một tấm gương rất lớn. Sinh ra trong một gia đình giàu có nhất nhì Bắc Bộ. Ông ngoại tôi đã ủng hộ tới một thùng vàng trong tuần lễ vàng ở Hà Nội năm 1945. Trong khi đó bố tôi chỉ là một ông giáo xuất thân từ một làng quê nghèo khó. Cuốn tiểu thuyết đầu tay Cậu bé nhà quê (1925) chính là một phần tuổi thơ của bố tôi. Sau khi lấy bố tôi mẹ tôi đã dứt bỏ hoàn toàn mọi quan hệ kinh tế với gia đình giàu có của mình để theo bố tôi vào dạy học ở Huế. Sau Cách mạng tháng Tám cả nhà ra Hà Nội, rồi lên đường tham gia kháng chiến.
Ngày ấy mọi người chỉ nghĩ tản cư ít lâu thôi cho nên gia đình tôi đã để lại tất cả đồ đạc tại Hà Nội, chỉ mang theo những đồ dùng và quần áo tối thiểu. Ngờ đâu khi đang ở Phú Thọ thì Pháp nhẩy dù xuống thành phố này. Từ hầm trú ẩn cả nhà chạy ra cánh đồng và đi thật nhanh xa thành phố. Khi Pháp rút đi chúng tôi quay về thì mọi đồ đạc đã bị kẻ gian lấy hết. Mỗi người chỉ còn một bộ quần áo trên người (!). Bố tôi khi đó làm Giáo đốc Giáo dục Liên khu X nhưng làm gì có lương, chỉ có mỗi tháng 53kg gạo. Bố tôi dành 20kg để đi kinh lý khắp liên khu trên một chiếc xe đạp (thời ấy Bố tôi đã được Bác Hồ tặng thưởng một bộ quần áo lụa và một thư khen ghi rằng là một Giám đốc có tài). Còn lại 33kg dành cho mẹ tôi để gánh vác cả một đàn con đang tuổi ăn học. Ai có thể ngờ rằng một phụ nữ xuất thân từ chốn nhung lụa nay theo chồng chuyển hết từ tỉnh này sang tỉnh khác với đầy khó khăn trong đời sống. Tôi còn nhớ có thời ở Yên Bái cả nhà phải hấp sắn lưu niên nạo ra (sắn to như bắp chân do người dân bỏ quên trên rừng) rồi chấm với muối ớt ăn qua ngày. Còn thời ở Phú Thọ mẹ tôi mua thóc rồi cùng với chị gái tôi xay giá, dần sàng để lấy lãi từ chỗ… cám. Rồi đến khi ở Thái Nguyên mẹ tôi và chị tôi tìm mua quần áo rét của những người tản cư từ Hà Nội ra và đi vào tận mép rừng đổi lấy gạo của các gia đình người Trại. Mẹ tôi kể chuyện: Họ thật thà lắm, cứ mời ăn cơm và bảo “Đừng lo thiếu cơm, nhà lúc nào cũng nấu thừa cơm cho…chó mèo (!). Mẹ tôi vừa kể vừa cười một cách rất lạc quan. Hòa Bình lập lại cả nhà về Hà Nội và ở nhờ nhà một người bạn của bố tôi tại phố Yết Kiêu. Mẹ tôi nhận bán đường cho Mậu dịch . Cả nhà xúm vào dán bao và cân đong từng cân một để bán theo tem phiếu cho dân chúng. Sau này bố tôi được phân 1 căn hộ 21m2 ở khu tập thể Kim Liên. Từ căn phong nhỏ bé ấy tám anh chị em tôi trưởng thành lên dần.
Còn nhớ Lân Việt khi còn học ở trường Y, một hôm đang đêm có người đến nhờ đi khám cấp cứu, trời rét và Việt ngại vì chỉ đang là sinh viên, nhưng mẹ tôi động viên: Con cố gắng cứu giúp người ta, dù sao con cũng hiểu biết hơn người ngoài ngành. Sau này khi trở thành Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội, Việt thường nói lời căn dặn ấy theo em trong suốt mỗi lần tiếp xúc với bệnh nhân.
Cả cuộc đời mẹ tôi là một chuỗi năm tháng hy sinh để chồng yên tâm công tác và để cả đàn con được trở thành những người có ích. Trong hoàn cảnh khó khăn đến vậy của hai cuộc kháng chiến gian khổ, không có sự hy sinh trong tinh thần lạc quan của mẹ tôi thì làm sao có được 7 người con có học vị Tiến sĩ, trong đó có 3 Giáo sư và 3 Phó giáo sư.
Thật đau đớn vì sau khi chị tôi bị mất đột ngột vì tai nạn giao thông vào năm 1992 (dù đang đi xe đạp sát lề đường!) , mẹ tôi bỗng nhiên suy sụp nhanh chóng. Không suy sụp sao được vì đó là người con gái duy nhất trong 8 người con, lại là người con gái xinh đẹp và hết mực hiếu thảo, hiền hậu. Mẹ tôi qua đời sau đó một năm , để lại muôn vàn đau thương cho bố tôi và tất cả gia đình chúng tôi.
Vẫn biết sinh-lão-bệnh-tử là quy luật của muôn đời nhưng chị tôi, mẹ tôi và rồi đến bố tôi mất đi khi chưa thấy được đàn con và cả đàn cháu nội ngoại đều thật sự trưởng thành như ngày hôm nay thì thật là điều đau xót biết bao. Bố mẹ tôi hiện yên nghỉ cạnh nhau tại nghĩa trang quê nhà, sau 59 năm chung sống hết sức hòa thuận với nhau và nuôi dạy cả một đàn con cháu nên người.
GS. Nguyễn Lân Dũng-http://vietsciences.free.fr/vietnam/vanchuong/truyen_ngan/metoi-nld.htm
Địa chỉ: Thị trấn Đại Từ - Đại Từ - Thái Nguyên
Điện thoại: 0984.280.076
Email: tobuvn@gmail.com
Facebook: http://facebook.com/tobuvn
Comments[ 0 ]
Post a Comment
Chào mừng các bạn đã đến với TOBU!
Để có thể để lại nhận xét, bạn cần phải có tài khoản google. Những nhận xét không đúng với thuần phong mỹ tục của Việt Nam sẽ bị chúng tôi xóa mà không báo trước.
Cảm ơn bạn đã để lại nhận xét!