Tranh minh họa của Khều. |
---|
Mặc dù năm nay, đề thi môn Văn tốt nghiệp THPT được đánh giá là đúng trình độ, chỉ nằm trọn vẹn trong lớp 12, không đánh đố; biểu điểm mở, không gò ép, thậm chí hơi chung chung nên có thể giúp giáo viên mềm tay trong khi chấm nhưng tại một nơi có tiếng là đất học và tỷ lệ đỗ bao giờ cũng cao (riêng đối với môn Văn cũng thường ở mức 70-79%), các thí sinh vẫn phạm những lỗi không thể tưởng tượng nổi.
Thí dụ, đề thi hỏi: En-xa Tơ-ri-ô-lê có vai trò thế nào trong cuộc đời và thơ ca của Lui A-ra-gông? Thí sinh liền viết linh tinh một hồi rồi cao hứng khẳng định: Lui A-ra-gông, nhà thơ vĩ đại của nước Nga (!).
Khi đề thi hỏi: Suy nghĩ của anh /chị về nhan đề tác phẩm “Mảnh trăng cuối rừng” của Nguyễn Minh Châu, có thí sinh, sau khi mơ màng với những áng văn bay bổng của bản thân mình về nhân vật chính - Nguyệt, với lời bình Nguyệt là trăng, trăng là Nguyệt... miêu tả tiếp: Nguyệt đã cam tâm tình nguyện đến cởi trói cho... A Phủ!
Đề thi yêu cầu phân tích một đoạn thơ trong bài “Bên kia sông Đuống” của Hoàng Cầm (từ đoạn “Bên kia sông Đuống/Quê hương ta lúa nếp thơm nồng” đến “bây giờ tan tác về đâu”, khi phân tích đến hai câu “chó ngộ một đàn/lưỡi dài lê sắc máu”, một thí sinh đã hồn nhiên viết: chó mệt và ngộ nên lưỡi thè dài ra trông như lưỡi lê, lưỡi mác của thực dân Pháp nên chúng rất hung ác; đi đến đâu chó đâm chém, giết người đến đấy!
Hoặc như khi bình câu thơ “Mẹ con đàn lợn âm dương”, thí sinh viết: mẹ con đàn lợn, con thì lưu lạc xuống tận âm phủ, con thì ở trên trần thế và hai đàn lợn không bao giờ gặp được nhau!
Có thể vì không thuộc và hiểu tác phẩm nên thí sinh còn mắc những lỗi bịa đặt theo kinh nghiệm cá nhân đến nực cười.
Đề thi yêu cầu phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật bà cụ Tứ trong tác phẩm” Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân khi làm bài vì nhớ láng máng trong tác phẩm có một chi tiết đố nhau ăn 4 bát bánh đúc rồi sau đó trở thành vợ chồng, nên thí sinh đã viết: cặp trai gái này đố nhau ăn uống và đã làm một lúc 4 bát... bánh trôi tàu.
Với môn Lịch sử, chuyện râu ông nọ cắm cằm bà kia hay như sai ngày tháng, sự kiện... là chuyện thường gặp và đã từng nói đến từ nhiều năm nên người viết bài này chỉ xin trích dẫn một số ví dụ để bạn đọc có thể hình dung được những sai sót ở ngay cả những kiến thức rất sơ đẳng - điều cho thấy chất lượng kiến thức môn Lịch sử của bài thi năm nay.
Thí sinh cứ hồn nhiên viết: Khi đàm phán với thực dân Pháp tại Pari, không được Bác Hồ về nước và làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ cho Pháp biết tay.
Câu hỏi thi yêu cầu trình bày khái quát diễn biến chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 thì có thí sinh trình bày toàn bộ chiến dịch Điện Biên Phủ trên không 1972;
Thí sinh đưa Liên Xô cũ đặt sang châu Mỹ và trình bày toàn bộ thành tựu chủ yếu của kinh tế Liên Xô khi câu hỏi thi hỏi về thành tựu chủ yếu của kinh tế Mỹ sau chiến tranh thế giới thứ 2.
Hay như khi đề thi yêu cầu tóm tắt hoàn cảnh lịch sử, kết quả, ý nghĩa của Chiến dịch Biên giới thu đông 1950, thí sinh lại bê nguyên xi chiến dịch Việt Bắc 1947 và miêu tả thực dân Pháp dùng đủ loại ca nô, tàu chiến, vũ khí tối tân... để tấn công lên Việt Bắc...
Giáo viên chấm Văn, chấm Sử không khỏi lo lắng về nét chữ nét người của các học trò. Nhiều thí sinh trong bài thi môn Văn đã viết chữ xấu, không theo chuẩn mực nào cả khiến những người chấm thi được một phen dịch toát mồ hôi cũng không ra phải thốt lên: Không hiểu đây là tiếng Tây hay tiếng Tàu! Người nọ chuyền tay người kia nhờ dịch hộ.
Một giáo viên chấm Văn kể: Có những thí sinh viết chữ cao chữ thấp trong cùng một hàng; Ngọng từ trong các cặp “n”, “l” hay “s”, “x” là nhiều, theo lời kể của giáo viên chấm thi.
Vì sao chưa chuyển?
Một thầy giáo có mấy chục năm giảng dạy môn Văn, vừa tham gia chấm thi tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2008 nói: Đúng là trong một đề thi, như đề thi Văn năm nay, có 2 câu hỏi 2 điểm và 3 điểm là câu học thuộc không cần tư duy gì cả, không cần cảm xúc.
Đối với các câu yêu cầu phân tích hay phát biểu cảm nghĩ (thường là câu 5 điểm) thì lại được chấm theo biểu điểm. Khi chấm bài, thí sinh phải đảm bảo đủ chừng ấy ý của biểu điểm mới được điểm tối đa. Như vậy, vô hình trung, học sinh lại phải học thuộc những nội dung ấn định từ trước để đạt được điểm cao, nếu nói ra ngoài sẽ không được điểm.
Một ví dụ của biểu điểm năm nay: Trong câu hỏi “diễn biến tâm trạng của nhân vật bà cụ Tứ trong tác phẩm “Vợ nhặt” của Kim Lân, biểu điểm ấn định điểm chấm theo 3 nội dung gồm 3 gạch đầu dòng: ngạc nhiên và lo lắng; hờn tủi và thương xót; mừng lòng và mong mỏi. Nhiều giáo viên chấm đã phải gạch chân hai từ “mừng lòng” và đánh dấu hỏi chấm.
Một giáo viên nói: Tôi dạy văn mấy chục năm, theo nghiệp văn từ bé đến giờ chưa nghe nói đến 2 từ này thì mong gì học sinh hiểu được.
Ông kể: Các giáo viên chấm quyết định: bài làm của thí sinh không có ý đó thì không cho điểm, mặc dù, bản thân hai từ đó, theo người chấm, là thật tối nghĩa. Kết quả là không thí sinh nào viết được mừng lòng gì gì đó vào bài thi và đương nhiên người chấm không cho điểm -học sinh phải thiệt thôi!
“Nếu cứ thi Văn và chấm Văn như hiện nay thì việc học của học sinh vẫn lại chỉ dừng lại ở công thức muôn thuở: “Thầy đọc-trò chép-học vẹt và quên, dẫn đến thi cử không hiệu quả như thường xảy ra” - Thầy H. , một giáo viên Văn có kinh nghiệm nói.
Theo giáo viên này, ngay cả với câu hỏi tập làm văn dạng phát biểu cảm tưởng, học sinh cũng không được thoải mái phát biểu ý kiến và cảm thụ của riêng mình chỉ vì khi chấm bài, bài làm của các học sinh đảm bảo đủ như ba-rem điểm của đáp án mới được điểm tối đa. Học sinh nào, dù giỏi thực sự, có cảm nhận riêng nhưng nói không trúng với với các gạch đầu dòng theo thang điểm cũng không được điểm cao.
Ngay trong một cặp chấm, giả sử, có một người nhận ra sự tinh tế, cảm xúc của thí sinh nhưng người kia cho rằng không đúng ba-rem, không được điểm thì thí sinh cũng đành chịu thiệt. Vì vậy, nhiều khi văn chương không còn là văn chương nữa.
Chính vì việc dạy có khuôn mẫu, học có khuôn mẫu, thi cũng theo khuôn mẫu nên học sinh rơi vào cảnh chép và học thuộc lòng cả với môn Văn, nói gì đến Lịch sử hay các môn khác.
Kiến thức quá nhiều (học sinh không chỉ học một môn) nên không nhớ hết mới sinh ra hiện tượng nhầm lẫn từ kiến thức này sang kiến thức kia, hay hiện tượng có những thí sinh “hy sinh” một hay vài môn học để còn có thời gian tập trung vào các môn phục vụ cho mục tiêu thi vào ĐH, CĐ là chuyện bình thường.
Làm thế nào để chấm dứt được tình trạng học-thi như hiện nay? Trả lời câu hỏi này, đa phần các nhà giáo cho rằng phải cùng lúc giải quyết đồng bộ các vấn đề: nội dung chương trình, giáo viên, phương pháp dạy học và thi cử.
Điều này đã được nói đến trong nhiều năm qua nhưng vì sao vẫn chưa có sự chuyển mình thực chất. Câu trả lời chỉ có thể được trả lời bởi Bộ GD&ĐT mà thôi.
Học trò lên tiếng Đúng vào thời điểm này, khi mà vấn đề dạy và học 2 môn Văn học và Lịch sử đang ở vào thời điểm tranh cãi nóng nhất để tìm hướng đi cho cách dạy và học hiệu quả nhằm thoát khỏi công thức: Thầy đọc - trò chép - học vẹt và quên dẫn đến thi cử không hiệu quả như trên. Nữ sinh Trần Thùy Dung (Đại học Wesleyan, Mỹ) viết một bức thư ngỏ gửi Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân về việc dạy và học 2 môn Văn và Lịch sử ở Việt Nam với lời lẽ chân thành: “Em được nghe rất nhiều bức xúc của các thầy cô và trong dư luận nói chung về việc dạy và học bộ môn Văn học và Lịch sử tại Việt Nam. Đây là hai môn xã hội rất quan trọng mà em cho rằng vấn đề chính là phải học thuộc lòng quá nhiều nên học sinh không thực sự hiểu bài, đạt kết quả không cao trong các kỳ thi”. Nữ sinh này kể rằng em là học sinh học xuất sắc môn Văn và là học sinh giỏi thành phố, nhưng: “Tuy nhiên, em rất áy náy vì thực sự em chưa bao giờ hiểu hết các tác phẩm văn học, và cũng không được phép phát biểu cảm xúc thực sự của mình”. Trong một đoạn khác của bức thư, thí sinh này viết: “Em đã đọc những đề thi tốt nghiệp THPT và Đại học những năm gần đây. Thông thường nhất là câu hỏi: “Phát biểu cảm nghĩ về tác phẩm” hoặc “Theo anh/chị, tác phẩm này/sự kiện này có ý nghĩa thế nào?”. Tuy nhiên, luôn có đáp án kèm theo, và các em phải nêu ra được những ý cụ thể y như đáp án thì mới được điểm”. Cô nữ sinh đề nghị với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân ở cuối bức thư: “Là một học sinh yêu môn Văn học và Lịch sử, với mong muốn việc dạy và học hai môn này được cải thiện phù hợp với xu hướng của thế giới, em mong rằng ý kiến của em sẽ được xem xét”. |
Hồ Thu
Địa chỉ: Thị trấn Đại Từ - Đại Từ - Thái Nguyên
Điện thoại: 0984.280.076
Email: tobuvn@gmail.com
Facebook: http://facebook.com/tobuvn
Comments[ 0 ]
Post a Comment
Chào mừng các bạn đã đến với TOBU!
Để có thể để lại nhận xét, bạn cần phải có tài khoản google. Những nhận xét không đúng với thuần phong mỹ tục của Việt Nam sẽ bị chúng tôi xóa mà không báo trước.
Cảm ơn bạn đã để lại nhận xét!