Thứ trường Thường trực Bộ GD&ĐT Bành Tiến Long trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí. |
---|
Thứ trưởng Bành Tiến Long cho biết: Thi cử ở nước ta còn nhiều điểm chưa tương đồng với các nước trong khu vực, trong đó có những hạn chế, nếu không được khắc phục kịp thời, sẽ dẫn đến tụt hậu.
Hiện tại, Việt Nam nằm trong khoảng 10% số nước trên thế giới tổ chức hai kỳ thi THPT và đại học, cao đẳng riêng biệt.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT và Bổ túc THPT có hơn 1 triệu thí sinh; tuyển sinh đại học, cao đẳng được tổ chức thành 3 đợt với khoảng 1,5 triệu người tham dự.
Hai kỳ thi này có cùng một đối tượng, cùng một nội dung là kiến thức và kỹ năng ở THPT, chủ yếu là lớp 12, nhưng chỉ cách nhau có 1 tháng. Nó gây áp lực căng thẳng cho các em học sinh và lãng phí hàng trăm tỉ đồng của xã hội.
Việc tổ chức hai kỳ thi riêng cũng khiến nhiều khâu khó kiểm soát chặt chẽ, tiềm ẩn nhiều rủi ro, như: dễ xảy ra gian lận, kết quả thi không đảm bảo khách quan, chính xác, không đánh giá đúng năng lực của thí sinh...
Mặt khác, áp lực thi cử làm cho hiện tượng đối phó, gian lận khá phổ biến. Nghiêm trọng hơn là những trưòng hợp gian lận có tổ chức được phát hiện trong vài năm gần đây.
Bộ GD&ĐT sẽ triển khai việc một kỳ thi quốc gia vào năm 2009, thưa Thứ trưởng?
Theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT đang khẩn trương hoàn thiện Đề án đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp thành kỳ thi THPT quốc gia. Nếu Thủ tướng đồng ý, Bộ GD&ĐT sẽ triển khai vào năm sau.
Nội dung chính của đề án là từ năm 2009 sẽ tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, lấy kết quả để vừa công nhận tốt nghiệp, vừa làm căn cứ quan trọng tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp.
Nhưng nhiều người lo ngại rằng, với điều kiện cơ sở vật chất chưa đảm bảo hiện nay và khâu coi thi tốt nghiệp không nghiêm bằng kỳ tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng, nên khó tuyển được người giỏi?
Kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm trước không được đảm bảo như tuyển sinh đại học, cao đẳng vì được tổ chức tại các địa phương. Khâu coi thi chỉ do cán bộ, giáo viên ở địa phương thực hiện nên thường bị sức ép từ bên ngoài. Ở nhiều nơi, hội đồng coi thi không kiểm soát được hết tình hình.
Hiện tượng tiêu cực và căn bệnh chạy theo thành tích cũng làm cho công tác coi, chấm thi ở nhiều nơi lỏng lẻo, hình thức. Nghiêm trọng hơn là những trường hợp gian lận có tổ chức.
Cách đây hai năm, trường thi tốt nghiệp THPT không nghiêm túc, bên ngoài lộn xộn, bên trong thí sinh quay cop bài. Sao in đề thi nhiều khi cũng không đảm bảo an toàn.
Từ năm 2006, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục, triển khai cuộc vận động “nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, những thực trạng trên đã dần được khắc phục. Thi cử đang đi vào nề nếp. Đặc biệt, hiện tượng gian lận có tổ chức trong kỳ thi tốt nghiệp THPT giảm hẳn.
Nếu hai kỳ thi mà tổ chức nghiêm túc như nhau thì việc tổ chức cách nhau một tháng như hiện nay gây rất nhiều lãng phí và không cần thiết.
Bộ GD&ĐT dự kiến sẽ tổ chức kỳ thi chung quốc gia ở những nơi có cơ sở vật chất đảm bảo như những thành phố lớn, các trường đại học, cao đẳng. Ngoài giáo viên các trường phổ thông, lực lượng giảng viên cũng sẽ được huy động vào khâu coi thi.
Kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay có gì mới và Bộ GD&ĐT có tổ chức thêm các môn thi trắc nghiệm trong những năm tới, thưa Thứ trưởng?
Năm nay, Bộ GD&ĐT tổ chức thi thêm tiếng Đức và Nhật trong môn Ngoại ngữ với hình thức trắc nghiệm. Ở hệ cao đẳng, Bộ ra đề chung và chỉ tổ chức 1 đợt thi vào các ngày 15 và 16/7 chứ không dàn trải như trước. Nếu các trường đồng ý, kết quả thi vào một trường cao đẳng sẽ được sử dụng để xét tuyển vào các trường cao đẳng khác.
Đối với quy mô thí sinh dự thi lớn như kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng, đề thi tự luận khó đảm bảo được tính khách quan, khó bao quát chương trình học. Khâu chấm thi mất nhiều thời gian.
Thi trắc nghiệm có những điểm mạnh như nhiều mã đề nên thí sinh làm bài độc lập; câu hỏi bao quát chương trình; chấm thi nhanh. Hạn chế duy nhất của hình thức thi này là đánh giá, phân tích, năng lực sáng tạo của thí sinh.
Tuy nhiên, nếu thi tuyển cho các lớp chương trình đào tạo chất lượng cao thì thi tự luận là tốt nhất. Trong đề án đổi mới tuyển sinh, Bộ có cơ chế tạo điều kiện cho các trường năng khiếu tổ chức thi môn năng khiếu riêng hoặc trường chất lượng cao có thể kiểm tra thêm.
Nhưng về vơ bản, từ nay đến năm 2011, các môn trắc nghiệm vẫn giữ như hiện nay: Thi trắc nghiệm các môn Ngoại ngữ, Vật lý, Sinh học và Hoá học. Các môn khác thi tự luận.
Thưa thứ trưởng, đề thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay có cấu trúc như thế nào?
Đề đại học, cao đẳng nam nay có 2 phần. Phần đảm bảo kiến thức cơ bản, các em học lực trung bình có thể làm được (khoảng 14 đến 15 điểm cho 3 môn). Phần phân loại thí sinh khá, giỏi. Tỉ lệ này Ban đề thi quy định.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Xuân Mai (tienphong.vn)
Thực hiện
Địa chỉ: Thị trấn Đại Từ - Đại Từ - Thái Nguyên
Điện thoại: 0984.280.076
Email: tobuvn@gmail.com
Facebook: http://facebook.com/tobuvn
"Hai kỳ thi này có cùng một đối tượng, cùng một nội dung là kiến thức và kỹ năng ở THPT, chủ yếu là lớp 12, nhưng chỉ cách nhau có 1 tháng. Nó gây áp lực căng thẳng cho các em học sinh và lãng phí hàng trăm tỉ đồng của xã hội".
ReplyDeleteTrong đó ta có thể suy nghĩ 2 nội dung:
-Căng thẳng cho các em học sinh.
-Gây lãng phí hàng trăm tỉ đồng cho xã hôi.
Quan điểm gộp 2 kỳ thi lại thành một, riêng tôi, tôi không đồng tình với ý kiến này một chút nào. Đây là một quyết định hoàn toàn mang tính chủ quan, duy ý trí. Tại sao không trưng cầu ý kiến của tất cả các cán bộ trong ngành giáo dục ? Đấy mới là câu trả lời khách quan và có cơ sở.
Việc làm này quá "bản lĩnh". Chỉ cần 2 đến 3 năm nữa, ta sẽ nhìn thấy "kết quả" thôi.
Và lúc đấy, "thiếu sót đâu" "hoàn thiện" chỗ đó ! Và ai sẽ là người "hưởng" kết quả đó đây ?