Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Bộ phận thường trực Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 (Bộ GD-ĐT) cho biết thông tin trên tại hội thảo triển khai đề án dạy và học ngoại ngữ trong các trường ĐH giai đoạn 2011 tổ chức sáng 23/12. Từ kinh nghiệm dự giờ, ông Hùng khái quát "cách học ngoại ngữ ở các trường vẫn theo lối truyền thống. Nghĩa là dạy nhiều nên phải hy sinh phần nói, thậm chí quá chú trọng đến văn bản. Do đó dù học sinh được trang bị 900 tiếng Anh ở phổ thông và 200 tiết tiếng Anh ở ĐH nhưng ra trường vẫn "câm và điếc".
|
Ảnh: Lê Anh Dũng |
Sẽ áp chuẩn Châu Âu
"Việt Nam đang đứng trước thách thức hội nhập không thể không đổi mới cách dạy và học ngoại ngữ" - ông Hùng nói. Do đó, những mục tiêu đề án đưa ra dễ dàng nhận được sự đồng lòng của các trường là phải "đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ mới ở các cấp học, các trình độ đào tạo nhằm đến năm 2015 đạt được một bước tiến rõ rệt về trình độ, năng lực sử dụng ngoại ngữ của nguồn nhân lực. Và đến năm 2020 đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, CĐ, ĐH có đủ năng lực ngoại ngữ..."
Để đạt được các mục tiêu chương trình đào tạo tăng cường môn ngoại ngữ đối với giáo dục ĐH đạt 10% số lượng sinh viên (SV) vào năm học 2010-2011, đạt 60% vào năm 2015-2016 và 100% vào năm 2019-2020, theo ông Hùng nhiệm vụ của Bộ và các trường là xây dựng và ban hành khung trình độ năng lực ngoại ngữ gồm 6 bậc tương thích với chuẩn Châu Âu CEFR thay cho trình độ A,B,C.
Song song với đó là xây dựng và triển khai chương trình mới đào tạo ngoại ngữ bắt buộc ở các cấp phổ thông, giáo dục dạy nghề và giáo dục ĐH đạt các bậc trình độ: bậc 1 cho tiểu học, bậc 2 cho THCS và bậc 3 cho THPT, GDCN, GDĐH.
"Áp khung trình độ này thì phương pháp kiểm tra, đánh giá cũng thay đổi bám sát 4 kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết) thay vì cách dạy và học hiện nay vẫn phục vụ cho thi, trong khi thi cuối cấp và thi vào ĐH vẫn chỉ tập trung vào ngữ pháp, đọc và dịch" - lời ông Hùng.
Về lý thuyết, những mục tiêu đề án đưa ra được số đông đại biểu đồng tình nhưng không tránh khỏi băn khoăn. Việc triển khai được lãnh đạo các trường ĐH chia sẻ không quá khó vì đã có nguồn giáo viên và hỗ trợ của đề án trong việc bồi dưỡng nâng trình độ giáo viên đạt chuẩn. Điều khó các trường trăn trở là đãi ngộ để giữ chân những giáo viên vừa giỏi chuyên môn lại thạo tiếng.
Trong khi đội ngũ giáo viên đạt chuẩn C1 ở các trường ĐH không nhiều - đây là một thách thức lớn đặt ra đòi hỏi các trường nỗ lực cùng Bộ giải quyết.
Chính sách nào níu chân giáo viên?
Với kinh nghiệm 9 năm đào tạo chuyên ngành bằng ngoại ngữ lãnh đạo Trường ĐH Hà Nội nêu thực tế, việc tuyển dụng giáo viên dạy chuyên ngành bằng ngoại ngữ đã khó, nhưng giữ được chân họ càng khó hơn. Dù lãnh đạo trường đã biết, đặc thù công việc, việc soạn bài, giảng dạy của nhóm giáo viên này thường mất nhiều thời gian, công sức trong khi thù lao theo giờ giảng dạy không cao.
Trong khi đó có rất nhiều lời mời trị giá 2.000 USD từ phía các doanh nghiệp khiến họ khó lòng từ chối. Trường đưa ví dụ, một giáo viên dạy chuyên ngành kế toán bằng tiếng Anh tại Khoa Quản trị Kinh doanh và Du lịch có Chứng chỉ hành nghề của Tổ chức ACCA (Anh quốc) dễ dàng có thu nhập 2.000 USD/ tháng khi làm việc cho một công ty kiểm toán nước ngoài. Trong khi lương dạy ở trường chỉ được 4-5 triệu đồng/tháng.
Do đó nhà trường kiến nghị, cần có chính sách khuyến khích đội ngũ giáo viên này bằng các học bổng nâng cao trình độ bằng nước ngoài đi kèm với cam kết làm việc cống hiến cho trường. Nhưng chính sách bền vững nhất vẫn là tăng thù lao giờ dạy?
Đồng quan điểm, phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp (ĐH Thái Nguyên) Vũ Ngọc Pi đề xuất, nên có lộ trình cụ thể, hợp lí đối với việc đào tạo năng lực tiếng Anh cho SV và giảng viên. Cùng với đó, đội ngũ giảng viên tiếng Anh cần được đi học tập tại các nước nói tiếng Anh. Chú trọng bồi dưỡng khả năng nghe nói cho sinh viên và giảng viên...
Ông Pi cũng cho hay, để nâng chất lượng dạy và học tiếng Anh nhà trường rất chú trọng ngay từ khâu tuyển dụng. Nhiều năm nay trường tuyển giáo viên tiếng Anh phải tốt nghiệp chính quy và bằng phải từ khá trở lên...Tuy nhiên, đến nay trường vẫn chưa có giáo viên nào được đi nước ngoài đào tạo mà mới dừng ở việc đi thăm quan, du lịch nên hiệu quả chưa được cọ sát. Đội ngũ giáo viên dạy tiếng Anh còn thiếu.
Đáp lại trăn trở của các trường ĐH, phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Thị Lê Hương cho biết, trên cơ sở nguồn kinh phí của đề án được duyệt, các trường sẽ tiến hành rà soát, đề xuất phương án phổi hợp cùng Bộ giải bài toán thiếu giáo viên và bồi dưỡng nâng cao trình độ.
Đại diện Trường ĐH Hà Nội cũng cho rằng, Bộ cần có những yêu cầu cụ thể về năng lực ngoại ngữ cho một giáo viên dạy chuyên ngành bằng ngoại ngữ. Vì giáo viên có trình độ B2 có thể bắt đầu tham gia giảng dạy chuyên ngành bằng ngoại ngữ. Nhưng cũng cần có lộ trình để giáo viên nâng trình độ lên C1 - trình độ lý tưởng để có thể diễn đạt thoải mái kiến thức thông thường cũng như chuyên ngành.
Bà Lê Hương cho biết, năm 2012-2015 Cục Đào tạo và hợp tác với nước ngoài sẽ tổ chức bồ dưỡng cho 60% giảng viên ngoại ngữ đi học tập, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ ngắn hạn và dài hạn ở nước ngoài. 40% giảng viên còn lại được đưa đi bồi dưỡng vào năm 2016-2020.
Nhiều rào cản
Vấn đề nữa được số đông các trường ĐH xác định là thách thức lớn để đổi mới dạy và học ngoại ngữ, đó là đội ngũ SV. Ông Nguyễn Ngọc Hùng nêu thách thức, từ cách dạy và học theo lối truyền thống hiện nay (40% thầy nói, học thuộc lòng 50%, 10% luyện tập) nên SV hầu hết chưa có phương pháp tự học và tự quản lý thời gian. Đa số vẫn "thầy bảo, cô dặn, khoa bắt, trường dọa" thì SV mới chịu học, không có tính tự giác. Và SV có nhiều trình độ khác nhau đòi hỏi có phương pháp dạy tương ứng.
Là giáo viên đứng lớp TS Dương Bạch Nhật - Trường ĐH Duy Tân Đà Nẵng khái quát, có tới 4 nhóm SV khi vào ĐH có trình độ tiếng Anh khác nhau. Cụ thể,
nhóm 1 bắt đầu học tiếng Anh từ lớp 2;
nhóm 2 bắt đầu học tiếng Anh từ lớp 3;
nhóm 3 bắt đầu học tiếng Anh từ lớp 6 và
nhóm 4 bắt đầu học tiếng Anh từ lớp 10.
Vì có nhiều trình độ tiếng Anh khác nhau khi các em vào ĐH nên khó xếp lớp theo cùng trình độ. Do đó quá trình học SV có một số điểm yếu cần khắc phục: Kỹ năng nghe - nói - viết luận kém, không quen phát âm - ngữ điệu, vốn từ vựng ít, không quen phong cách giao tiếp và ít nắm được cấu trúc câu trong tiếng Anh....
Cùng với việc khắc phục những điểm yếu của SV và bồi dưỡng nâng trình độ cho giảng viên cần quan tâm đến nguồn tài liệu tham khảo cho SV, bà Nhật nói. Hiện nay tài liệu tham khảo cho SV còn chưa phong phú và hầu hết bằng tiếng Anh nên SV và giáo viên cần nhiều thời gian nghiên cứu.
Vẫn theo bà Lê Hương, từ nay đến cuối năm 2012 Bộ phối hợp với các cơ sở giáo dục ĐH tiến hành ra soát đánh giá các chương trình đào tạo ngoại ngữ hiện hành để xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo ngoại ngữ tăng cường đối với các cơ sở đào tạo không chuyên ngữ. Đồng thời, xây dựng chương trình đào tạo bằng tiếng Anh 15 môn của ngàn Công nghệ thông tin, Tài chính-Ngân hàng, Du ịch và Quản trị kinh doanh trong chương trình ĐH ở năm cuối.
Phối hợp với Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội), Trường ĐH Hà Nội chuẩn hóa chương trình đào tạo sư phạm ngoại ngũ trình độ ĐH cho các cơ sở đào tạo giáo viên ngoại ngữ...
Thách thức đặt ra đối với khoa và trường là công khai minh bạch chuẩn đầu ra. Song song với việc đổi mới chương trình, phương pháp, đổi mới thi kiểm tra đánh giá phải giải quyết đội ngũ giáo viên không đạt chuẩn. Đồng thời, đảm bảo thu nhập cho giáo viên để không chảy máu chất xám.
Comments[ 0 ]
Post a Comment
Chào mừng các bạn đã đến với TOBU!
Để có thể để lại nhận xét, bạn cần phải có tài khoản google. Những nhận xét không đúng với thuần phong mỹ tục của Việt Nam sẽ bị chúng tôi xóa mà không báo trước.
Cảm ơn bạn đã để lại nhận xét!