Tôi đọc được những dòng này trên Thanh niên online: “Ngay từ năm 2010, Bộ GD và ĐT bắt đầu triển khai nghiên cứu, xây dựng một chương trình GD phổ thông mới, áp dụng từ năm 2015. Chương trình GD phổ thông sẽ được đổi mới một cách cơ bản theo hướng tích hợp các môn học ở lớp dưới, phân hóa mạnh ở các lớp THPT, tạo cơ hội lựa chọn nội dung học tập nhiều hơn, biến qua trình dạy học thành quá trình tự học, có hướng dẫn và hỗ trợ tối ưu của giáo viên. Dựa trên chương trình quốc gia với các vùng miền khác nhau xây dựng các nội dung GD địa phương phù hợp với nhu cầu và điều kiện của vùng miền.”
Không biết đây là một tin đáng vui mừng hay đáng lo ngại?
|
Dư luận nói chung đang đòi hỏi GD phải thay đổi, phải cải cách triệt để, phải chấn hưng mạnh mẽ… |
Gỡ rối bằng…chương trình
Có nhiều điều để mừng.
Thứ nhất, Bộ GD và ĐT đã thể hiện quyết tâm đổi mới một “cái gì đó” trong trăm cái bùng nhùng, rối rắm hiện nay của nền GD. “Cái gì đó” mà Bộ chọn chính là chương trình, và Bộ sẽ đổi mới nó một cách cơ bản. Dư luận nói chung đang đòi hỏi GD phải thay đổi, phải cải cách triệt để, phải chấn hưng mạnh mẽ …
Để đáp ứng đòi hỏi riết róng, mạnh mẽ và hợp lí như vậy, Bộ chưa thể đưa ra được một kịch bản cải cách tổng thể nghiêm túc và có tính khả thi, buộc Bộ phải cố gắng chọn ra một khâu cụ thể để đổi mới. Thế cũng là điều mừng.
Thứ hai, Bộ đã nghe và thấy những điều bất cập trong chương trình và SGK hiện hành, (đã thực hiện được một lượt từ lớp 1 đến lớp 12). Với thái độ cầu thị, và cũng theo kế hoạch đã định, Bộ đã tổ chức liên tiếp hai cuộc hội thảo (ở phía nam và phía bắc) để “đánh giá 3 năm thực hiện đổi mới chương trình và sách giáo khoa bậc THPT ”.
Tại hội nghị, trong phần tổng kết, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển thừa nhận: “Chương trình và SGK của bậc PT còn nhiều hạn chế, quá tải về nội dung, và chưa phù hợp với trình độ đại trà của học sinh”. Mặc dầu đánh giá đó từ lâu đã được mọi ngời “đồng thuận”, nhất là thầy cô giáo, học sinh, cha mẹ học sinh, các nhà sư phạm, các nhà giáo dục, các nhà văn hóa…nhưng bây giờ Bộ GD và ĐT chính thức tuyên bố thì đó cũng là điều đáng mừng.
Thứ ba, mục tiêu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông mà Bộ đưa ra rất cơ bản và mạnh dạn. Ý tưởng chủ yếu của đổi mới chương trình là tích hợp ở lớp dưới, phân hóa mạnh ở lớp trên, đề cao tự học, chương trình phù hợp với các vùng miền…. So với chương trình hiện hành thì đó là những thay đổi lớn. Hy vọng rằng với chương trình mới, con em ta sẽ đỡ khổ vì sự học.
|
Làm mới thì không khó, nhưng mới mà hay hơn, tiến bộ hơn lại rất khó. |
Kinh nghiệm xương máu: Hay hơn, tiến bộ hơn - rất khó
Nhưng cũng lại không ít điều lo lắng.
Một là, không biết Bộ nói thế nhưng có định làm thế thật hay không? Bởi vì đã không ít lần Bộ nói thế này rồi lại làm thế khác.
Năm học 2007-2008 Bộ nói như đinh đóng cột là năm 2009 sẽ bỏ kì thi vào ĐH, chỉ còn kì thi quốc gia THPT “hai trong một”. Dư luận chung có người tán thành và cũng lắm người phản đối, nhưng thầy và trò thì cứ phải theo lệnh Bộ mà dạy mà học …
Đùng một cái, đầu năm 2009, Bộ tuyên bố năm nay vẫn làm hai kì thi, và làm cho tốt để năm 2010 chắc chắn sẽ chỉ còn một kì thi nữa mà thôi. Rồi lại đoàng một cái nữa, đầu tháng 8 năm nay, Bộ lại tuyên bố năm 2010 vẫn làm như cũ. Phải chăng việc ai thắng ai trong cuộc chiến “hai trong một” đã ngã ngũ rồi?
Về chủ trương thi trắc nghiệm cũng tương tự như thế. Mặc dầu còn nhiều tranh cãi, Bộ vẫn quyết định năm 2006 các môn Lý, Hóa ,Sinh và Ngoại ngữ phải thi trắc nghiệm, còn từ năm 2007 trở đi kiểu trắc nghiệm được áp dụng cho tất cả 8 môn thi. Thế là thầy và trò lại đua nhau “luyện trắc nghiệm”. Các sách luyện trắc nghiệm nhanh chóng được tung ra trên thị trường sách. Các lò luyện thi trắc nghiệm cũng không ngừng mọc lên…
Thế rồi sau đó Bộ lại quyết định không mở rộng thêm các môn thi trắc nghiệm nữa, cứ như cũ mà làm, tức là chỉ 4 môn trắc nghiệm mà thôi…Có người còn cho rằng rồi đây mọi môn đều sẽ thi tự luận đểkhuyến khích ra đề thi có dạng mở.
Hai là, nếu Bộ định làm thật như đã nói thì liệu có kịp làm xong trước năm 2015 hay không?
Cứ theo cách làm chương trình và SGK như cũ thì quy trình rất nhiều bước. Thành lập hội đồng chương trình GD, và các hội đồng chương trình bộ môn. Soạn thảo dự án của chương trình mới một cách chi tiết. Phổ biến rộng rãi để lấy ý kiến các cơ quan, các viện khoa học, các nhà khoa học các nhà nghiên cứu, của thầy giáo, phụ huynh, học sinh…Tiếp thu ý kiến đóng góp, sửa chữa và chỉnh lí; thông qua chương trình chính thức. Trình Bộ trưởng kí duyệt. Bắt đầu tổ chức viết SGK. Thí điểm SGK vài ba lần. Tiếp tục lấy ý kiến đóng góp; chỉnh sửa để thành SGK chính thức…
Chú ý rằng CT và SGK mới này phải phù hợp với vùng miền khác nhau nên chắc chắn phải có nhiều bộ SGK khác nhau, lại phải biến qua trình dạy học thành quá trình tự học nên việc viết SGK càng khó khăn gấp bội.
Ngoài ra chưa kể đến việc đào tạo giáo viên mới và huấn luyện giáo viên cũ để có thể đáp ứng được chương trình mới. Một núi công việc như vậy liệu có thể hoàn thành trước năm 2015 hay không. Đó là mối lo lớn.
Chúng ta đã có quá nhiều kinh nghiệm qua nhiều lần thay đổi chương trình và SGK, và một kinh nghiệm rất xương máu: Làm mới thì không khó, nhưng mới mà hay hơn, tiến bộ hơn lại rất khó.
Việc thay CT và SGK vào năm 2015 là một chủ trương rất lớn, không thể chỉ xuất phát từ một sự ngẫu hứng, hoặc cốt để dẹp yên sự bức xúc của xã hội.
Văn Như Cương
Comments[ 0 ]
Post a Comment
Chào mừng các bạn đã đến với TOBU!
Để có thể để lại nhận xét, bạn cần phải có tài khoản google. Những nhận xét không đúng với thuần phong mỹ tục của Việt Nam sẽ bị chúng tôi xóa mà không báo trước.
Cảm ơn bạn đã để lại nhận xét!