Nguồn gốc
Phương pháp học tiếng Anh cuồng nhiệt (Crazy English) là phương pháp do một giáo viên người Trung Quốc tên là Lý Dương khởi xướng ra. Lúc đầu, phương pháp Crazy English không được ủng hộ bởi nó đi ngược lại các mô hình và khái niệm giảng dạy truyền thống. Không những thế, Crazy English còn phải chịu sự khinh miệt và ghê tởm của nhiều người Trung Quốc truyền thống, những người luôn yêu mến bản sắc phương Đông về sự kiềm chế, khiêm tốn và điều độ. Nhưng Lý Dương vẫn không bỏ cuộc, ông kiên trì phát triển, tuyên truyền phương pháp này qua các học trò của mình, và dần thu được những thành công cực kỳ to lớn. Cho đến bây giờ, Crazy English đã trở thành phương pháp học tiếng Anh của hơn 20 triệu người ở Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Hơn một trăm hãng thông tấn từ 30 nước, bao gồm cả từ Mỹ, Canada, Australia đã phỏng vấn ông, và đài truyền hình NHK của Nhật Bản đã làm một chương trình phát hình trực tiếp về phương pháp Crazy English. Một bộ phim tài liệu về ông đã được làm. Sau đây, chúng ta sẽ cùng làm quen với những tư tưởng của phương pháp học tiếng Anh thú vị này.
Nguyên lý
Phương pháp Crazy English dựa trên nguyên lý rằng đơn vị cơ bản trong giao tiếp là câu. Trong mỗi tình huống giao tiếp, chỉ có một số lượng nhất định câu được sử dụng, chỉ cần nắm vững được các câu này là có thể giao tiếp tốt trong tình huống đó. Crazy English khuyên nên học thuộc các câu. Câu được học thuộc cả về ngữ âm, ngữ điệu, chữ viết và ý nghĩa, trong đó đặc biệt chú trọng đến ngữ âm và ngữ điệu. Và như vậy, người học sẽ nghe được một câu hoàn chỉnh, từ đó cũng nói được một câu hoàn chỉnh, đồng thời có thể luyện được cách phát âm chuẩn của cả câu. Theo cách truyền thống, người ta học từ vựng, rồi sử dụng ngữ pháp nối các từ thành câu để sử dụng, cách thức như thế sẽ bó buộc ngôn ngữ vào một cái khung chật chội, trong lúc ngôn ngữ luôn thiên biến vạn hóa, nhiều “tiếng lóng” và nghĩa bóng, mà ngữ pháp chính quy không thể theo sát và biểu đạt nổi. Vì vậy, chỉ có cách học thuộc lòng cả câu thì mới nắm vững được toàn bộ ý nghĩa cũng như các sắc thái biểu cảm của câu đó.
Crazy English đưa ra lý luận rằng, chỉ cần học thuộc một số lượng mẫu câu nhất định thì sẽ giao tiếp được bằng tiếng Anh: học 500 câu cơ bản – giao tiếp được bằng tiếng Anh, học 5000 câu cơ bản – viết văn được bằng tiếng Anh, học 50000 câu cơ bản – trở thành một nhà ngôn ngữ học tiếng Anh. Khi tích lũy đủ một số lượng câu nhất định, thì trình độ tiếng Anh của người học sẽ tự nhiên giỏi lên bất ngờ.
Lý Dương cho rằng, học thuộc là “phương pháp duy nhất” học tốt tiếng Anh, tuyệt đối không có cách thứ hai. Ông quan niệm: “Sách đọc nhiều lần tự khắc sẽ hiểu; Đọc thuộc 300 bài thơ Đường, không biết làm thơ cũng biết ngâm thơ; Bài viết đọc nhiều, viết văn hay tuyệt; Trước lạ sau quen”. Học thuộc phải học thuộc triệt để, tức là đến khi ngấm vào máu thịt không thể nào quên. Để học thuộc được như vậy thì phương pháp tốt nhất là lặp đi lặp lại thật nhiều lần, 100 lần, 1000 lần, … đến mức có thể “buột miệng nói ra bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu”, hơn nữa suốt đời cũng không thể quên. Giống hệt những bậc đại sư võ thuật luyện võ vậy!
Học thuộc lòng chính là điểm mấu chốt giúp hình thành khả năng ngôn ngữ. Trí nhớ hình thành sau hàng trăm, hàng ngàn lần “luyện tập lặp đi lặp lại” gọi là “trí nhớ cơ bắp”. Chính trí nhớ này sẽ quyết định cho khả năng tiếng Anh của một người.
Như vậy, phương pháp học tiếng Anh cuồng nhiệt của Lý Dương dựa trên hai nguyên lý:
- Thứ nhất, câu là đơn vị cơ bản trong giao tiếp tiếng Anh, do đó học tiếng Anh tức là học câu.
- Thứ hai, học thuộc lòng triệt để là phương pháp tốt nhất để học tiếng Anh.
Phương pháp của Lý Dương xuất phát từ một thực tế đó là trong các tình huống giao tiếp tiếng Anh hàng ngày thì mọi người sử dụng câu để giao tiếp với nhau, và mỗi tình huống chỉ sử dụng một số lượng câu nhất định. Như vậy phương pháp này xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và trở lại đáp ứng thực tiễn. Đồng thời nó còn dựa trên việc ứng dụng quy luật chuyển hóa từ sự thay đổi về lượng dẫn đến sự thay đổi về chất. Thể hiện cụ thể đó chính là tư tưởng học thuộc bằng cách lặp đi lặp lại nhiều lần để hình thành “trí nhớ cơ bắp”, cũng như việc tích lũy vốn câu học thuộc để quyết định khả năng tiếng Anh giỏi hay kém.
…
Nguồn: http://cuonsach.net/
Comments[ 0 ]
Post a Comment
Chào mừng các bạn đã đến với TOBU!
Để có thể để lại nhận xét, bạn cần phải có tài khoản google. Những nhận xét không đúng với thuần phong mỹ tục của Việt Nam sẽ bị chúng tôi xóa mà không báo trước.
Cảm ơn bạn đã để lại nhận xét!