Nhạc trẻ đang bộc lộ nhiều vấn đề về nội dung, ca từ Ảnh: Nguyễn Huy |
Nhận xét tại hội thảo Tính dân tộc và hiện đại trong âm nhạc Việt Nam tổ chức tại Đà Nẵng hôm 17/7, nhạc sĩ Cát Vận nói: “Những bất cập của nhạc trẻ không còn nằm ở ca từ, nó còn bao gồm cả các khâu biểu diễn, đào tạo và giáo dục.
Nhìn lại sự phát triển của âm nhạc thời gian qua, chúng ta thấy một sự điên loạn, dĩ nhiên nghệ thuật phải điên mới hay.
Nhưng nhạc trẻ lại điên quá. Thực tế là nhạc hiện nay thiếu vắng các ca khúc để đời, những tác giả trẻ ngày càng dễ dãi hơn với những tác phẩm của mình”.
Sốc ca từ
Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, việc thêm một hội thảo mang tính chuyên đề về nền âm nhạc Việt Nam đương đại, cho thấy sự trăn trở trước những bất cập của dòng nhạc hiện nay.
PGS.TS nhạc sĩ Thế Bảo trăn trở “Văn hoá đại chúng đặc biệt là âm nhạc hiện cho thấy dường như thế hệ trẻ đang lấy thước đo của văn hoá phương Tây làm chuẩn...”.
Nhạc sĩ Phan Văn Minh (Quảng Nam) thẳng thắn: “Ca từ tiếng Việt trong âm nhạc đang đi theo ngả rẽ mới, nhưng đó là sự thụt lùi, giậm chân tại chỗ.
Một xu hướng viết lời ca bằng thứ ngôn ngữ tổng hợp, trong đó nền tảng là thứ ngôn ngữ diễm tình, sướt mướt, nhưng vô cảm, cộng vào đó là một số từ ngữ của email và chat, những câu cãi cọ thông tục hàng ngày, đôi khi lại thêm vào vài câu tiếng Anh cho thêm sành điệu. Tất cả tạo nên những mớ hỗn độn, ca từ gây sốc...
“Nhìn nhau rất lâu, anh đã đặt vào làn môi. Oh first kiss, you make me happy. Chẳng nói lên được tiếng chi chỉ nghe nhịp trái tim. Oh first kiss, you make me carzy...” - dẫn lời bài hát “Nụ hôn bất ngờ” (sáng tác Mỹ Tâm), nhạc sĩ Phan Văn Minh phân tích: “Những từ tiếng Anh kia nếu thay bằng tiếng Việt (nụ hôn đầu tiên) thì nó chẳng làm thay đổi giọng điệu, tại sao cứ phải sính ngoại”.
Từ xưa đến nay, tiếng Việt được các thế hệ văn nghệ sĩ sử dụng như một thứ tơ sợi óng ả để dệt nên những tác phẩm đẹp như nhung lụa, sao bỗng dưng bây giờ lại đem vò rối nó thành một thứ lùng bùng.
Hỗn loạn
Nhạc sĩ Tô Hải (Khánh Hòa) nhận định, sự hỗn loạn trong dòng âm nhạc hiện nay đã được báo trước, gốc rễ của vấn đề nằm ở chính các nhạc sĩ. Thị hiếu thị trường, sự xô bồ và lợi nhuận khiến nhiều tác giả chạy đua với ca khúc. Họ hầu như không có thời gian để kiểm nghiệm lại tác phẩm của mình.
“Hiện tượng hỗn loạn trong các ca khúc pop hiện nay là có quá nhiều nhạc sĩ, quá nhiều ca sĩ, ca sĩ cũng có thể sáng tác và trình bày bài hát của mình, ai cũng có thể phát hành album và trở thành nhạc sĩ. Mọi tiêu chí bị đảo lộn, quy chuẩn bị xáo trộn, những sáng tác này tự do lên sân khấu, tự do phổ cập vì không có cơ quan chức năng nào để ý tới một cách thấu đáo”- nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam chỉ ra các bất cập.
Trong khi đó, theo PGS.TS Thế Bảo, “do không được hướng dẫn, học hành đến nơi, đến chốn, các cây bút trẻ viết theo đơn đặt hàng của các hãng băng đĩa vụ lợi, nhiều ca khúc rẻ tiền đã ra đời. Sự dễ dãi của các sở văn hóa nhiều tỉnh thành giúp cho việc phát hành những ca khúc kém chất lượng”.
Các nghệ sĩ ngồi lại không phải để bảo tồn cái cũ và phủ nhận cái mới, không phải phủ nhận hoàn toàn các giá trị đã đạt được của âm nhạc hiện nay. Thực tế, trong hàng loạt các tác phẩm âm nhạc xuất hiện, đã có những tác phẩm mang lại hiệu ứng cao.
Các nhạc sĩ trẻ Lê Minh Sơn, Nguyễn Vĩnh Tiến, Hoài Sa, Nguyễn Thiện Thanh, các nhạc sĩ nữ Giáng Son, Nguyễn Minh Hiền, phần nào khẳng định được giá trị của mình. Vấn đề là nhìn lại, đưa ra định hướng để phát huy các giá trị tốt đẹp của âm nhạc Việt Nam hiện đại - nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhấn mạnh.
Nguyễn Huy-tienphong.vn
Địa chỉ: Thị trấn Đại Từ - Đại Từ - Thái Nguyên
Điện thoại: 0984.280.076
Email: tobuvn@gmail.com
Facebook: http://facebook.com/tobuvn
Comments[ 0 ]
Post a Comment
Chào mừng các bạn đã đến với TOBU!
Để có thể để lại nhận xét, bạn cần phải có tài khoản google. Những nhận xét không đúng với thuần phong mỹ tục của Việt Nam sẽ bị chúng tôi xóa mà không báo trước.
Cảm ơn bạn đã để lại nhận xét!