Thầy giáo Văn Như Cương. |
---|
Nhìn lại câu chuyện lùm xùm đính chính sách giáo khoa râm ran trong dư luận những ngày đầu năm học vừa qua, thầy giáo Văn Như Cương đã đưa ra những nhận xét hài hước mà xác đáng, thú vị.
Ông cũng đề nghị chúng tôi đừng gọi ông là giáo sư gì cả mà cứ gọi là thầy giáo thôi và đó cũng là sự "dẫn dắt" rất thú vị của ông vào câu chuyện đính chính sách giáo khoa: "Tôi rất bức xúc trước những gì người ta nói ra nó không đúng như sự thật vốn có. Không ít lần người ta còn gọi tôi là Nhà giáo Nhân dân Văn Như Cương, trong khi tôi còn chưa hề được phong danh hiệu Nhà giáo Ưu tú!
Hay cái chuyện chức danh cũng vậy, tôi chỉ là Phó Giáo sư nhưng người ta cứ "thích" gọi tôi là Giáo sư. Tôi chính thức đề nghị, chỉ gọi tôi thầy giáo cũng là quá đủ rồi! Chuyện ùm xùm về SGK cũng thế. Dư luận nói nhiều điều không đúng đâu!".
Làm gì có "tay dọc" mà lại gọi là "tay ngang"!
Thưa thầy Cương, một trong những điều tiếng mà dư luận hay phàn nàn nhất về chuyện viết sách giáo khoa là đội ngũ những người viết sách chỉ toàn là những "chiến binh tay ngang"?
Ông Hồ Ngọc Đại có lần bảo những người viết SGK toàn là "tay ngang". Tôi đã trả lời: Việt Nam chưa có trường nào dạy viết SGK cả nên làm sao có "tay dọc"?
Về chuyện những người viết sách giáo khoa thì họ cũng không phải chiến binh tham gia mặt trận nào đâu vì không có chuyện mặt trận hay cơ cánh gì trong viết sách giáo khoa, ít ra là với môn toán THPT mà tôi tham gia chủ biên một phần.
Thậm chí có người còn nói đại là 80% tác giả là người chưa từng hoặc không còn dạy phổ thông, như thế là không đúng. Riêng nhóm của tôi, đa số dạy phổ thông, có thể có người dạy đại học nhưng vẫn tham gia dạy phổ thông. Họ là giảng viên đại học sư phạm, nơi đào tạo ra các GV phổ thông thì họ phải sát với phổ thông chứ.
Còn cũng có người giảng dạy ở các đại học khác ngành sư phạm thì họ được mời như một chuyên gia về khoa học. Cho dù là SGK phổ thông cũng rất cần các chuyên gia này bởi vì họ có cái nhìn xuyên suốt các cấp học đến đại học, và nhìn ra cả thế giới nữa.
Một "tội" khác của những người viết sách giáo khoa bị quy kết là họ cố tình tham gia và tạo nên một "quy trình ngược", kiểu như, "sinh con rồi mới sinh cha, sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông"?
Mới đây thôi, nghĩa là sau khi SGK mới đã có đến lớp 12, có người vẫn khẳng định quy trình làm SGK của chúng ta là ngược, nghĩa là viết SGK trước, làm chương trình (CT) sau. Tôi sẽ phân tích về cái gọi là "tội" quy trình ngược trong sách giáo khoa như sau: CT là bản thiết kế, SGK là công trình được thi công theo bản thiết kế đó. Thế nếu không có CT mà đã viết SGK thì những người thi công chúng tôi làm mò à? Ngay khi viết SGK thí điểm, chúng tôi cũng vẫn phải làm theo thiết kế là CT thí điểm. Chuẩn bị triển khai đại trà thì có CT chính thức, trên cơ sở chỉnh sửa CT thí điểm.
Ví dụ như "Chương trình giáo dục trung học phổ thông”, trong đó với mỗi môn học của từng khối lớp đều có đầy đủ: Mục tiêu, Nội dung (kế hoạch dạy học, nội dung dạy học), Chuẩn kiến thức kỹ năng (Chủ đề, mức độ cần đạt, ghi chú), Giải thích, hướng dẫn (nội dung, phương pháp dạy, đánh giá, tính vùng miền). Phải có căn cứ như vậy thì chủ biên và tập thể tác giả mới có định hướng để chấp bút cho SGK chứ.
Căng thẳng như... viết SGK
Là một người đã từng có nhiều năm viết SGK, điều trăn trở nhất của thầy mỗi khi nhận viết một cuốn sách là gì?
Có một lần, có người hỏi tôi là kinh nghiệm viết SGK là gì, tôi đã nói vui là "Không bao giờ viết SGK nữa". Nói thế để mọi người hiểu về công việc viết SGK là như thế nào.
Đầu tiên là nghiên cứu CT, chẻ từng vấn đề một ra, thảo luận chi tiết. Chủ biên đưa ra một đề cương chung. Lại thảo luận. Sau khi thống nhất rồi thì chia nhau chấp bút theo CT đã được phê duyệt. Về việc này, có ý kiến cho rằng việc làm SGK là cắt khúc, chắp vá, tôi nghĩ rằng nó cũng như khi thi công một cái nhà theo thiết kế. Có anh xây thô, anh hoàn thiện, anh làm mộc, anh làm điện nước...
Sau khi mỗi người xong phần việc của mình thì họp nhau lại, mọi người đều góp ý cho mỗi người, góp ý rất chi tiết, có khi chỉ là thay một ví dụ này bằng ví dụ khác hay hơn, có khi phải viết lại cả một tiết dạy. Sau khi hoàn chỉnh bản thảo lần 1 thì trình Hội đồng thẩm định (do Bộ cử) duyệt. Rồi Hội đồng thẩm định chất vấn, tác giả trả lời. Biên bản thẩm định ghi rõ chỗ nào được, chỗ nào chưa được phải sửa. Sau khi nhóm tác giả sửa xong thì Hội đồng thẩm định lần 2. Bản thảo lần 2 này được gửi về các sở, các trường để tiếp tục lấy ý kiến.
Tôi không biết việc xây dựng các bộ luật của Quốc hội có căng thẳng bằng viết SGK không!
3 cuốn đính chính SGK thì có gì là ghê gớm!
Chuyện SGK có lẽ cũng không trở thành ầm ĩ nếu như Bộ GD-ĐT không đột nhiên công bố sẽ có tới 3 cuốn sách đính chính SGK nhưng rồi sau đó lại vội vàng rút xuống chỉ còn là những tờ rơi, thưa thầy?
Khi nghe báo chí nói đến một cơ sở sản xuất bánh kẹo đã trộn bột đá vào nguyên liệu làm kẹo, tôi giật mình và nghĩ rằng phải xử bắn cái ông chủ mất hết tính người này. Tại sao không trộn bột mỳ, thậm chí là cám đi, để tăng lãi, mà lại đi trộn đá! Dã man hết sức! Nhưng vừa rồi nghe thông tin cơ quan chức năng kiểm tra nói lại rằng cái gọi là bột đá đó thực chất là một thứ phụ gia chế biến thực phẩm, nhưng chủ sản xuất kia đã trộn với tỉ lệ vượt quá mức quy định, gây hại cho người dùng.
Dư luận về chuyện đính chính SGK vừa rồi, tôi cũng ví như cái thông tin "trộn bột đá" kia. Thấy nói in hẳn 3 cuốn sách đính chính SGK thì hãi quá, làm gì mà đính chính lắm thế.
Tức là dư luận cứ nghe thấy đính chính là phải phê phán cũng như nghe thấy thông tin kẹo trộn bột đá là hãi hùng, chứ không cần biết bản chất thực sự của vấn đề là gì?
Họ có hiểu đâu rằng SGK có bao nhiêu cuốn, bao nhiêu loại! Tập hợp thành 3 cuốn sách cũng chẳng có gì ghê gớm, so với 111.000 tờ rời thì có khi còn tiết kiệm hơn (vì 1 lỗi cũng phải in 1 tờ giấy)! 129 lỗi trong SGK từ lớp 1 đến lớp 11, riêng Toán lớp 10 và lớp 11 đã 40 cuốn tất cả.
Tôi tạm tính trung bình mỗi cuốn SGK khoảng từ 2-3 lỗi. Thế thì có nhiều không? Chưa kể có những lỗi tôi nghĩ không cần phải đính chính, ví dụ thay "tường thuật" bằng "kể lại", "khâu đột" bằng "khâu đột thưa"... Không có sai lầm gì lớn về học thuật cả.
Có gì là chân lý bất di bất dịch đâu!
Vậy căn nguyên của cơn bệnh ầm ĩ về đính chính sách giáo khoa trong thời gian vừa qua thực sự là gì, thưa thầy?
Để đảm bảo tính cập nhật trong thời đại thông tin thay đổi nhanh như hiện nay thì "thiết kế" còn phải sửa dài dài. Tôi nói ví dụ từ trước đến nay chúng ta vẫn dạy trong Thái dương hệ có 9 hành tinh. Nhưng có một Đại hội thiên văn quốc tế nào đó quyết định loại bỏ Diêm Vương tinh, nên Thái Dương hệ chỉ còn 8 hành tinh. Vậy thì phải sửa chứ sao. Hay giả sử môn Địa lý, nếu có phần viết về Thủ đô Hà Nội thì liệu sau 1-8-2008 có phải sửa không?
Chỉ có điều, lẽ ra sau khi in xong, cần rà soát lại lần cuối, xem có chỗ nào cần chỉnh thì chỉnh luôn, đính chính luôn tại thời điểm đó. Còn sau này nếu cần cập nhật lại chỉnh lý. Tôi cho rằng phần "thi công" thế là được, kể cả quy trình làm, cách làm. Không có gì phải làm ầm ĩ. Vấn đề là cách thể hiện "thiết kế" như vậy đã thật sự tối ưu chưa thì còn phải xem xét.
Và nếu có thể thì cũng nên xem xét lại CT nữa, vì có cái gì là chân lý bất di bất dịch đâu, kể cả kiến thức, tri thức của loài người. Rồi nghiên cứu việc làm nhiều bộ SGK khác nhau cho một CT. Đó là những công việc rất phức tạp mà các nhà quản lý và nhà khoa học đang tính đến.
Xin cảm ơn thầy về cuộc trò chuyện thú vị này!
Minh Trâm-dantri.com.vn
(Thực hiện)
Địa chỉ: Thị trấn Đại Từ - Đại Từ - Thái Nguyên
Điện thoại: 0984.280.076
Email: tobuvn@gmail.com
Facebook: http://facebook.com/tobuvn
Comments[ 0 ]
Post a Comment
Chào mừng các bạn đã đến với TOBU!
Để có thể để lại nhận xét, bạn cần phải có tài khoản google. Những nhận xét không đúng với thuần phong mỹ tục của Việt Nam sẽ bị chúng tôi xóa mà không báo trước.
Cảm ơn bạn đã để lại nhận xét!