(SHPT) - Xin giới thiệu với các bạn về một kỹ năng rất quan trọng trong cuộc sống, đó là: Tư duy tích cực. Tư duy tích cực sẽ đem lại nhiều lợi ích cho cuộc sống và công việc của chúng ta. Thầy Cô và các bạn muốn tìm hiểu và luyện tập kỹ năng này? Bài viết bên dưới được dành tặng riêng cho Thầy Cô và các bạn.
1. Tư duy tích cực là gì?
Tinh thần và thể xác luôn là hai thứ song hành cùng nhau để giúp chúng ta sống và làm việc, vui chơi và giải trí, nói chung là giúp chúng ta tồn tại trong thế giới này. Bạn biết rằng để có một cơ thể khỏe mạnh, ta phải ăn và uống, chính xác hơn, ta phải ăn và uống những thứ bổ dưỡng cho cơ thể. Do đó thực phẩm bổ dưỡng là thức ăn cần thiết cho cơ thể ta. Vậy còn tinh thần của chúng ta, thì cần “thực phẩm bổ dưỡng” gì?
Đó chính là những “suy nghĩ tích cực”.
Vậy suy nghĩ hay tư duy tích cực là gì? Có thể hiểu một cách ngắn gọn về tư duy tích cực như sau:
Một đầu óc tích cực luôn đề cập đến sự vui sướng, hạnh phúc, lành mạnh và kết quả thành công trong mọi tình huống, mọi hành động.
(A positive mind anticipates happiness, joy, health and a successful outcome of every situation and action).
2. Tại sao phải tư duy tích cực?
Trên thế giới, người ta thường nói:
You are what you think. You feel what you want.
Tạm dịch:
Bạn là cái bạn nghĩ. Bạn cảm thấy cái bạn muốn.
Câu trên mang ý nghĩa rằng: những suy nghĩ bên trong (inner thoughts) của bạn sẽ điều khiển bạn trở nên cái bạn mong muốn.
- Nếu bạn nghĩ rằng bạn là một người bất tài, vô dụng thì quả thật bạn sẽ ngày càng trở nên bất tài và vô dụng.
- Nếu bạn cảm thấy rằng cơn bệnh cúm bạn đang mắc phải là hết sức nặng nề và mệt mỏi, bạn sẽ ngày càng mệt mỏi và suy sụp với cơn cảm cúm này.
- Nếu bạn thấy rằng ông Hiệu trưởng của trường bạn thật khó ưa và đáng ghét thì mỗi lần gặp mặt vị Hiệu trưởng đó, chỉ càng làm bạn thấy muốn bệnh hơn.
Cuộc sống hàng ngày của mỗi người luôn bị điều khiển bởi các suy nghĩ nội tại dù chúng ta có ý thức hay không có ý thức về điều đó. Do đó, từ những suy nghĩ nội tại, những quan điểm cá nhân khác nhau, sẽ dẫn đến các kết quả khác nhau:
- Có người luôn vui vẻ và năng động, nhưng cũng có người luôn mệt mỏi và buồn chán.
- Có người cảm thấy việc học hỏi là thú vị, nhưng cũng có người thấy việc học hành là một hình phạt ngạt thở.
- Có người cảm thấy thất bại thật đáng giá vì đem lại nhiều bài học, nhưng cũng có người cảm thấy thất bại là kết thúc mọi thứ.
Do đó, hãy tự hỏi chính bản thân bạn rằng: bạn muốn sống cuộc đời như thế nào? Buồn chán và ảm đạm? Vui vẻ và lành mạnh? Ngập trong stress? Luôn cáu kỉnh và bực bội? Bạn hãy quyết định cho cuộc đời mình.
Theo nhiều nghiên cứu, suy nghĩ tích cực đem lại cho bạn rất nhiều ích lợi:
- Đạt được các mục tiêu bạn đặt ra và đạt được sự thành công trong cuộc sống.
- Đạt được thành công nhanh hơn và dễ hơn.
- Vui vẻ hơn.
- Nhiều năng lượng sống hơn.
- Sức mạnh nội tại của bạn sẽ ngày càng mạnh hơn.
- Có khả năng thôi thúc và truyền cảm hứng cho bạn và những người xung quanh.
- Khả năng vượt quá khó khăn và stress trong công việc và cuộc sống sẽ được nâng cao.
- Ngày càng tự tin vào bản thân hơn.
- Cuộc sống sẽ mỉm cười và trao tặng cho bạn nhiều cơ hội hơn.
- Những người xung quanh sẽ ngày càng tôn trọng bạn hơn.
- Những người có suy nghĩ tích cực thường là những người thành công trong những hoàn cảnh bình thường, và chính họ cũng thường là những người còn sống sót trong những tình huống khó khăn, nguy hiểm của cuộc sống.
Bạn sẽ hỏi CENTEA: Được rồi, tôi biết tất cả những điều trên rồi, vậy tôi muốn suy nghĩ tích cực thì phải làm sao? Xin mời bạn qua phần thứ 3 của bài viết này.
3. Làm thế nào để tư duy tích cực?
Như phần trên đã đề cập, chính suy nghĩ nội tâm của bạn đã điều khiển cuộc đời bạn. Do đó, điều trước tiên bạn cần làm để trở thành một người có tư duy tích cực là thay đổi những suy nghĩ bên trong của bạn. Hãy tận dụng mọi cơ hội để biến các suy nghĩ tiêu cực trở thành các suy nghĩ tích cực.
Trước tiên, bạn có thể làm quen với mô hình 3C (Commitment, Control and Challenge – Cam kết, Quản lý và Thử thách)
Cam kết: đặt ra một cam kết tích cực cho bản thân bạn, cho việc học hành của bạn, cho công việc của bạn hoặc cho bất cứ việc gì khác và hãy thực hiện việc đó một cách nhiệt tình và say mê.
Ví dụ:
- Tôi sẽ tập thể dục vào mỗi sáng để tăng cường sức khỏe cho mình.
- Tôi sẽ học cách dùng PowerPoint cho bài giảng của tôi vào học kỳ này.
- Tôi sẽ quan tâm và giúp đỡ ít nhất một học sinh trong lớp trong năm học này.
- Tôi quyết tâm dành một ít thời gian đọc truyện cho cô con gái nhỏ của mình trước khi con đi ngủ.
…Quản lý: luôn tập trung đầu óc của bạn vào những việc quan trọng và có ý nghĩa. Đưa ra các mục tiêu và tính ưu tiên cho mỗi việc bạn nghĩ và làm. Hãy luôn thành thật với bản thân, kiểm tra xem bạn đã làm được gì và chưa làm được gì trong các mục tiêu đã đề ra.
Luôn giữ đầu óc hướng đến các suy nghĩ tích cực, mỗi khi phát hiện các suy nghĩ tiêu cực đang bắt đầu xâm chiếm đầu óc mình, hãy nhanh chóng thay thế chúng bằng các suy nghĩ tích cực.
Do đó, hãy luôn theo sát sức khỏe tinh thần và thể chất của bạn.
Thử thách: Hãy can đảm thay đổi những thói quen, suy nghĩ tiêu cực của mình mỗi ngày. Hãy tập cách nhìn việc học và những sự thay đổi là các cơ hội cho bạn. Hãy thử làm điều khác điều mình vẫn làm thường ngày, hãy nhìn ra nhiều lựa chọn khác nhau cho mỗi sự việc.
Ví dụ:
- Đi từ công sở về nhà bằng một con đường khác, đi bộ thay vì đi thang máy.
- Thay vì đưa thẳng em học sinh nghịch ngợm trong lớp đến giám thị như mọi hôm, hãy kêu em lại nói chuyện sau giờ học.
- Thay vì luôn tránh xa máy vi tính vì thấy nó phức tạp hay rắc rối, hãy nhờ một đồng nghiệp chỉ mình cách bật máy tính lên, chỉ mình cách dùng chuột và bàn phím máy tính.
Bạn càng nhận ra rằng đứng trước một sự kiện, một con người, bạn càng có nhiều “góc nhìn” thì bạn sẽ càng thoải mái hơn và có nhiều “lựa chọn” để quyết định hơn. Và hãy nhớ, luôn lựa chọn mặt tích cực của vấn đề.
Bên cạnh mô hình 3C, bạn còn có thể tham khảo một số lời khuyên sau:
- Học cách thúc đẩy và khuyến khích bản thân.
- Học cách phát triển các kỹ năng giải quyết vấn đề, các kỹ năng sáng tạo.
- Học cách thư giãn và tự thưởng công cho mình.
- Xem các bộ phim hay và có yếu tố tích cực, nghe các bài nhạc vui vẻ, thưởng thức những bức ảnh đẹp.
- Trao đổi nhiều hơn với người khác.
- Hãy kết giao với những người có suy nghĩ tích cực và tránh xa những người luôn có những suy nghĩ tiêu cực và u ám.
- Hãy luôn mỉm cười, nhiệt tình và dễ mến.
- Hãy luôn nhìn vào mặt tích cực của một vấn đề. (Hình ảnh nữa ly nước gợi cho bạn về suy nghĩ: Ly nước đã vơi đi một nữa hay ly nước chỉ mới đầy một nữa? Cơn cảm cúm này là một thứ đáng ghét hay nó là cơ hội để bạn thư giãn và nghỉ ngơi?)
- Luôn tìm ra ít nhất một điểm đáng học hỏi từ những đồng nghiệp xung quanh.
- Luôn tích cực làm việc hết mình, tránh để ứ đọng công việc từ ngày này sang ngày khác.
- Hãy tự tin vào bản thân mình trong công việc và cuộc sống.
- Nếu gặp khó khăn và không vượt qua được, hãy hỏi nhờ sự giúp đỡ từ những người giàu kinh nghiệm hơn.
- Cuối cùng hãy ghi nhớ câu: You are what you think. You feel what you want.
Hãy luôn mỉm cười, nhiệt tình và dễ mến.
CENTEA tin rằng bài viết trên đã phần nào phác họa những nét cơ bản về kỹ năng tư duy tích cực cũng như các cách thức để rèn luyện nó. Vấn đề tiếp theo là Thầy Cô và các bạn có muốn mình trở thành một người sở hữu kỹ năng tuyệt vời trên hay không. Hãy chiêm nghiệm bản thân và rèn luyện cho mình, những điều tốt đẹp hơn sẽ đến, đầy bất ngờ và dễ chịu.
Bên cạnh bài viết này, Bộ phận CENTEA Art cũng xin gửi tặng đến Thầy Cô và các bạn Bộ poster Tư duy tích cực, hãy dùng nó để động viên bản thân mình và học trò của mình.
Nguồn tham khảo:
www.successconsciousness.com
www.revolutionhealth.com
www.aarp.org
Theo CENTEA
Comments[ 0 ]
Post a Comment
Chào mừng các bạn đã đến với TOBU!
Để có thể để lại nhận xét, bạn cần phải có tài khoản google. Những nhận xét không đúng với thuần phong mỹ tục của Việt Nam sẽ bị chúng tôi xóa mà không báo trước.
Cảm ơn bạn đã để lại nhận xét!